Hai 'ông lớn' bán nhiên liệu bay cho các hãng hàng không có siêu lợi nhuận?
08:21 - 27/05/2024
Thông tin về kết quả kinh doanh hai 'ông lớn' trong lĩnh vực cung cấp nhiên liệu hàng không như Skypec hay Petrolimex Aviation trong suốt nhiều năm cho thấy, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức cao.
Đại biểu Quốc hội nói về giải pháp căn cơ cho Vietnam Airlines
'Càng bay càng lỗ', Bamboo Airways vẫn thuê thêm tàu dịp hè
Vietnam Airlines có thể được lui hạn trả khoản vay 4.000 tỷ đồng
Pacific Airlines hoạt động trở lại, có hạng thương gia
Góp ý cho vấn đề "rốt cuộc giá vé máy bay đắt đỏ do đâu?" báo Tuổi Trẻ thực hiện, nhiều độc giả cho rằng cần khai thác một khía cạnh quan trọng. Đó là sự ảnh hưởng của giá nhiên liệu bay đến cấu thành.
Hai ông lớn cung cấp nhiên liệu cho thị trường hàng không là ai?
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Skypec cùng Petrolimex Aviation hiện là hai nhà cung cấp nhiên liệu hàng không chính trên thị trường.
Trong đó, Skypec là công ty TNHH một thành viên do Vietnam Airlines sở hữu 100% vốn điều lệ. Theo báo cáo thường niên năm 2023, Skypec được giới thiệu đang hoạt động tại 18 cảng hàng không trên cả nước và 4 sân bay quốc tế lớn của Hàn Quốc.
Doanh nghiệp này cung cấp nhiên liệu cho tất cả các hãng trong nước và gần 100 hãng hàng không nước ngoài đang khai thác tại Việt Nam.
Skypec chưa niêm yết, nhưng thông qua báo cáo thường niên công ty mẹ, đã tiết lộ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
Dữ liệu cho thấy giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu của Skypec tăng trưởng mạnh. Đến năm 2019, công ty đạt đỉnh kết quả kinh doanh với tổng sản lượng bán ra gần 1,8 triệu tấn, mang về doanh thu 29.399 tỉ đồng, lợi nhuận 653 tỉ đồng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 65,9%.
Dù cũng ảnh hưởng của COVID-19, nhưng Skypec vẫn ghi nhận lợi nhuận dương đều qua các năm.
Trong đó, năm 2020, tổng sản lượng đạt gần 937.711 tấn, doanh thu đạt 11.205 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 31 tỉ đồng.
Sang năm 2021, tổng sản lượng Skypec giảm còn gần 653.211 tấn, tổng doanh thu đạt 9.822 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế vẫn hơn 101 tỉ đồng, ROE gần 10%.
Năm 2022, giá nhiên liệu biến động dị biệt, nhiều thời điểm nguồn cung xăng dầu căng thẳng gây khó khăn cho công tác cân đối nguồn hàng, tỉ giá tăng cao.
Một máy bay Airbus A321 (loại máy bay các hãng thường sử dụng) chặng TP.HCM - Hà Nội có chi phí nhiên liệu là 142 triệu đồng/chặng - Ảnh: Quang Định
Dù vậy, Skypec vẫn đạt được kết quả tích cực với tổng sản lượng 1.253.343 tấn, doanh thu 32.940 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 281,4 tỉ đồng, ROE 35,2%.
Báo cáo thường niên mới nhất của Vietnam Airlines cho biết năm 2023, tổng sản lượng Skypec phục hồi nhanh chóng và đạt trên 1.477.000 tấn, doanh thu 33.450 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 176 tỉ đồng, ROE 22%.
PA lãi cao nhưng đau đầu vì nợ từ Vietjet Air, Bamboo Airways
Đối thủ của Skypec là Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex (PA). "Doanh nghiệp này được thành lập năm 2008 và phá vỡ thế độc quyền vốn được thống trị bởi Skypec", vài dòng trong báo cáo thường niên năm 2022 của Petrolimex đề cập.
PA cung cấp nhiên liệu và dịch vụ tra nạp cho tàu bay hơn 50 hãng hàng không trong nước và quốc tế như Vietjet Air, Bamboo Airways, Hải Âu, Japan Airlines… tại 7 cảng hàng không, sân bay trong nước và hơn 60 sân bay quốc tế.
Vốn điều lệ PA năm 2022 là 300 tỉ đồng, trong đó Petrolimex sở hữu 59% cổ phần. PA cũng chưa niêm yết, do vậy khó tiếp cận các thông tin chi tiết về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, báo cáo từ Petrolimex - công ty mẹ của PA - cho thấy lợi nhuận của công ty nhiên liệu bay này cũng đạt hàng trăm tỉ đồng cùng ROE rất cao.
Trước dịch, PA báo lãi trước thuế ở mức 846 tỉ đồng năm 2019, tăng trưởng 195%, ROE ở mức 58%. Sang năm 2021, lợi nhuận trước thuế của PA đạt 148,9 tỉ đồng. Và năm 2022, PA ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 448 tỉ đồng.
Đến năm 2023, sản lượng của PA đạt 1.290.788 tấn, lợi nhuận trước thuế đạt 112 tỉ đồng. Theo báo cáo thường niên năm 2023 của Petrolimex, thị trường hàng không chưa phục hồi hoàn toàn làm gia tăng tình trạng chậm thanh toán.
Theo đó, Vietjet Air (VJC) và Bamboo Airways (BAV) đều chậm thanh toán tiền hàng cho PA, dẫn đến công nợ phải thu khó đòi ngày một tăng cao, hệ số nợ vượt quá ngưỡng rủi ro, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính của công ty.
Quay trở lại báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Petrolimex, đến cuối quý 1-2024, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của tập đoàn là -1.398 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước -2.678 tỉ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 36%, lên 14.924 tỉ đồng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong các khoản phải thu của khách hàng ngắn hạn, có 2.619 tỉ đồng từ Hãng hàng không Vietjet Air, tăng 8% so với đầu năm và chiếm 19% tổng khoản phải thu khách hàng ngắn hạn.
Nguồn: Bình Khánh/Tuoitre