Vietnam Airlines có thể được lui hạn trả khoản vay 4.000 tỷ đồng

Vietnam Airlines có thể được lui hạn trả khoản vay 4.000 tỷ đồng

09:13 - 26/06/2024

Việc gia hạn khoản vay hỗ trợ tái cấp vốn cho Vietnam Airlines được xem là giải pháp có thể tháo gỡ khó khăn trước mắt cho hãng bay.

Vietjet bay chuyến đầu tiên có sử dụng nhiên liệu bền vững SAF
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026

Theo tờ trình Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành hỗ trợ Vietnam Airlines triển khai gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng, gồm khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng và gói tăng vốn điều lệ 8.000 tỷ đồng thông qua chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, đúng theo yêu cầu tại Nghị quyết của Quốc hội.

Tháng 7 đến tháng 12/2021, Vietnam Airlines đã hoàn thành sử dụng gói vay vốn với tổng giá trị đạt gần 4.000 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2023, hãng đã thanh toán đủ 220 tỷ đồng lãi vay cho các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết 135/2020 của Quốc hội và các hợp đồng tín dụng, Vietnam Airlines sẽ phải hoàn tất thanh toán toàn bộ số nợ gốc vay trong giai đoạn tháng 7-12 năm nay.

Vì sao phải gia hạn?

Trên thực tế, diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã tác động đến Vietnam Airlines nặng nề hơn so với các dự báo tại thời điểm xây dựng gói hỗ trợ thanh khoản 12.000 tỷ đồng.

Cụ thể, kết quả sản xuất kinh doanh của Vietnam Airlines các năm 2021-2023 tương đồng với bối cảnh hoạt động hàng không toàn cầu bị ngưng trệ và lỗ lớn.

Đến quý I/2024, tuy hãng bay đã báo lãi, kết quả này là yếu tố mùa vụ khi rơi vào giai đoạn cao điểm Tết cùng với các cao điểm ngắn ngày của thị trường quốc tế. Các quý tiếp theo hầu hết có chứa giai đoạn thấp điểm của thị trường, đặc biệt là nội địa.

Bên cạnh đó, tỷ trọng doanh thu quốc tế của hãng chiếm gần 65% doanh thu vận tải hàng không. Cùng với việc đẩy mạnh khai thác quốc tế, Vietnam Airlines đã triển khai nhiều các giải pháp về quản trị điều hành mạng đường bay, lịch bay và đội tàu bay, qua đó tăng hiệu quả sử dụng đội tàu bay, giảm chi phí bình quân khai thác đội tàu. Giờ bay bình quân/tàu bay/tháng trong 5 tháng đầu năm 2024 ước tính tăng tới 30% so cùng kỳ năm 2023.

Thách thức hiện tại là hãng vừa phải khắc phục các hậu quả nặng nề của đại dịch, vừa phải đáp ứng những yêu cầu về nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư phát triển trong khi nguồn lực tài chính suy giảm.

Vietnam Airlines đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Khánh Huyền.

Dự kiến đến cuối năm 2024, vốn chủ sở hữu công ty mẹ Vietnam Airlines và hợp nhất vẫn âm lần lượt 8.237 tỷ đồng và 13.108 tỷ đồng. Vay ngắn hạn (bao gồm khoản vay từ nguồn tái cấp vốn) và nợ quá hạn của Vietnam Airlines ở mức cao, trong đó khoản vay tái cấp vốn có thời hạn hoàn trả từ tháng 7 cùng nhiều khoản nợ từ giai đoạn trước sẽ đến hạn phải trả trong năm nay.

Ngoài ra, dòng tiền trong năm 2024 của Vietnam Airlines tiếp tục thâm hụt. Các giải pháp tái cơ cấu tài sản và cơ cấu danh mục đầu tư không triển khai kịp nên Vietnam Airlines không thể trả nợ khoản vay tái cấp vốn đúng hạn.

Trước tình hình trên, Chính phủ đề xuất thông qua việc cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần tại thời điểm đến hạn trả nợ đối với dư nợ tái cấp vốn còn lại của các tổ chức tín dụng đang cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu, tổng thời gian các lần gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 5 năm; lãi suất 0%/năm và không tài sản bảo đảm.

Theo Chính phủ, giải pháp gia hạn khoản vay tái cấp vốn chỉ là một trong các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines nhưng đây là giải pháp có tính khả thi và phù hợp nhất với thời điểm hiện tại.

Đánh giá và xem xét khả năng trả nợ của Vietnam Airlines

Thẩm tra nội dung trên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết phải gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020 của Quốc hội, nhằm tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines.

Tình thế đối với Vietnam Airlines hiện nay là cấp thiết và cần có những biện pháp hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo là hãng hàng không quốc gia và bảo toàn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, Chính phủ cần rút kinh nghiệm trong việc chuẩn bị hồ sơ, thủ tục, tránh trường hợp quá gấp, không đúng thời hạn quy định để báo cáo Quốc hội xem xét điều chỉnh chương trình kỳ họp và cho ý kiến đối với nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Media Quốc hội.

Ủy ban Kinh tế cơ bản đồng tình với Chính phủ cho phép Ngân hàng Nhà nước được tự động gia hạn thêm 3 lần như đề xuất. Trong tình thế cấp bách như trên, việc sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng có thể tháo gỡ ngay khó khăn trước mắt cho Vietnam Airlines.

Xét về quan hệ tín dụng, hãng vẫn phải bảo đảm điều kiện để được vay vốn tại tổ chức tín dụng và thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Do vậy, phương án này giúp cân đối dòng tiền cũng như hỗ trợ về thời gian để Vietnam Airlines cơ cấu lại hoạt động một cách toàn diện.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn về khả năng trả nợ của Vietnam Airlines. Đồng thời, Chính phủ cần rà soát, tính toán kỹ lưỡng các giải pháp, phương án xử lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ cho Vietnam Airlines, bao gồm cả nguồn từ khoản vay tái cấp vốn nếu được Quốc hội đồng ý gia hạn trả nợ đối với khoản vay này.

Nguồn: Vân Khanh/OpenSky