CEO Bamboo Airways: Nếu đưa thêm máy bay về mà có lãi, chúng tôi đưa ầm ầm
13:46 - 15/06/2024
Số lượng máy bay thiếu hụt gây lo ngại cho các chuyên gia hàng không, kéo theo hệ quả có thể cắt giảm số ghế giá rẻ cho người thu nhập thấp.
Đại biểu Quốc hội nói về giải pháp căn cơ cho Vietnam Airlines
'Càng bay càng lỗ', Bamboo Airways vẫn thuê thêm tàu dịp hè
Vietnam Airlines có thể được lui hạn trả khoản vay 4.000 tỷ đồng
Pacific Airlines hoạt động trở lại, có hạng thương gia
Chia sẻ tại Hội thảo Hàng không - Du lịch bắt tay liên kết phát triển bền vững, ông Lương Hoài Nam (Tổng giám đốc Bamboo Airways) cho biết trong bối cảnh thiếu máy bay, hãng chưa cố gắng đưa thêm máy bay về bởi không có động lực kinh tế.
"Bay càng nhiều, lỗ càng lớn. Nếu đưa thêm máy bay về mà có lãi, chúng tôi đưa về ầm ầm, không cần cơ quan quản lý phải nhắc", ông Nam nhấn mạnh.
Theo CEO Bamboo Airways, giá vé máy bay chỉ hạ nhiệt khi số lượng vé máy bay tăng lên. Trước dịch Covid-19, số lượng máy bay của Việt Nam là hơn 230 chiếc, nhưng hiện tại chỉ còn hơn 160 máy bay được khai thác.
Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways. Ảnh: Nhật Quang.
Ngoài số máy bay bị triệu hồi do lỗi động cơ, Bamboo Airways giảm bớt số lượng máy bay để trả bớt nợ, tái cơ cấu. Pacific Airlines thậm chí trả hết máy bay để giảm khoản nợ 220 triệu USD.
Để bù số máy bay thiếu hụt lên tới 60-70 chiếc so với nhu cầu, theo ông Lương Hoài Nam là không khó. Hiện nay, thị trường thế giới vẫn còn tàu bay cho thuê, chỉ cần chấp nhận trả giá hợp lý.
Vị này cho biết “60 tàu hay thậm chí 100 tàu cũng có” với thủ tục chỉ từ khoảng 2 tuần đến lâu nhất là 3 tháng. Nhưng nhiều hãng không cố gắng đưa thêm tàu bay về bởi không có động lực kinh tế khi bay càng nhiều, lỗ càng lớn.
Theo ông Lương Hoài Nam, từ trước đến nay, mọi người vẫn hiểu nhầm rằng tăng trần giá vé máy bay làm tăng giá vé máy bay. Tuy nhiên, thực tế lại ngược lại. Đơn cử từ tháng 3 năm nay, trần giá vé trên đường bay tăng lên 3,4 triệu đồng, bình quân giá vé của Bamboo Airways lại giảm còn khoảng 1,4 triệu đồng thay vì 1,66 triệu đồng như trước đó.
Với mặt bằng chi phí hiện nay, việc bay nội địa có lãi trở nên bất khả thi trong bối cảnh các hãng bị giá trần "trói chân".
Từ sau Tết đến nay, các hãng trong nước cũng chưa thể thêm tàu bay, thậm chí Pacific Airlines còn phải trả hết để xóa nợ.
Còn ông Lê Hồng Hà (Tổng giám đốc Vietnam Airlines) thông tin giá thuê hiện nay đã tăng 20-30%, trong đó, giá động cơ tăng gấp 2 lần so với năm 2019, giá phụ tùng vật tư tăng 10-13%.
Cuộc cạnh tranh không chỉ dành cho các hãng hàng không khi xu hướng du lịch và lựa chọn phương tiện của du khách ngày càng đa dạng. Với hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng phát triển, đường sắt, đường bộ dần trở thành lựa chọn của khách nội địa cho hành trình đi lại dưới 700 km.
Dự báo về hệ quả của tình hình trên, ông Nam nhận định: "Sự thật nghiệt ngã là nếu thiếu máy bay, cung không đủ cầu, số chỗ ngồi giá rẻ là đối tượng bị cắt bỏ đầu tiên. Người thu nhập trung bình sẽ bị ảnh hưởng".