Làm sao để chuyến bay đêm không còn ế khách?

Làm sao để chuyến bay đêm không còn ế khách?

13:44 - 15/06/2024

Các hãng tăng chuyến bay đêm để hạ nhiệt giá vé nhưng số đông hành khách chưa mặn mà.

Sân bay Vân Đồn có gió giật cấp 12 do bão Yagi
Ông Lại Xuân Thanh thôi làm Chủ tịch ACV
Lợi nhuận công ty kiểm soát không lưu tăng mạnh
Nâng cấp đường cất cánh sân bay Côn Đảo để đón được A320, B737
ACV đã giải ngân 11.000 tỷ đồng vào sân bay Long Thành

Nghi Bình, người làm việc tự do tại TP.HCM, thường xuyên bay đêm khi du lịch Thái Lan vì “tiết kiệm cả chi phí và thời gian". Cô thường chọn chuyến bay đáp đến sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan) lúc 22-23h để kịp di chuyển về trung tâm thành phố bằng ARL (tuyến đường sắt sân bay).

“Từ sân bay về khu vực trung tâm mất khoảng 40 phút di chuyển, giá một vé tàu khoảng 50 baht (dao động 35.000 đồng). Trong khi đó nếu bắt xe dịch vụ sẽ tốn khoảng 400 baht (dao động 280.000 đồng) với thời gian di chuyển tương đương”, Bình tính toán.

Thời gian linh hoạt, di chuyển thuận tiện, không tăng thêm nhiều chi phí khiến nữ du khách cảm thấy hài lòng. Tuy nhiên, Bình lại không tìm được cảm giác đó với các chặng bay nội địa đêm, đặc biệt là những địa điểm có sân bay nằm xa khu vực trung tâm.

Vé máy bay không phải vấn đề duy nhất

“Rất khó để tìm được phương tiện công cộng di chuyển từ sân bay về thành phố sau 21h, trừ những thành phố lớn. Giá xe dịch vụ cũng khá cao, cộng thêm chi phí tiền phòng một đêm và vé máy bay cũng không tiết kiệm hơn nhiều khi bay vào giờ đẹp", Bình so sánh.

Trải nghiệm đi lại bằng máy bay nhiều năm trong và ngoài nước khiến cô cho rằng nhu cầu cơ bản của khách bay đêm nội địa chưa được đáp ứng.

Các chuyến bay lệch giờ thường được nhóm khách trẻ ưu tiên nhằm tiết kiệm chi phí. Ảnh: Khánh Huyền.

Bà Trần Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Vietluxtour, cho biết "chưa thấy rõ" nhu cầu bay đêm của khách với các chương trình tour trong nước. Khách lựa chọn bay đêm thường là khách cá nhân chọn mua combo vé máy bay kèm khách sạn hoặc tour được thiết kế riêng theo yêu cầu.

“Việc bay vào đêm muộn, có thêm vài tiếng buổi tối nhưng không có hoạt động phù hợp khiến khách hàng cảm thấy không xứng đáng. Hầu hết điểm du lịch nội địa ban đêm không có nhiều hoạt động vui chơi", bà Thu nói.

Theo đại diện Vietluxtour, để các chuyến bay đêm đến gần hơn với hành khách, các địa phương cần bổ sung thêm hoạt động vui chơi, giải trí cho buổi tối, giúp du khách cảm thấy hấp dẫn hơn. Từ đó, đơn vị lữ hành cũng dễ dàng mở bán, bổ sung chương trình tour mới và tạo được hiệu ứng cho khung giờ bay này.

Dẫn chứng cụ thể với các đường tour quốc tế, bà Thu cho biết không thiếu chương trình khởi hành ban đêm. Khi bay lệch giờ, du khách vừa có được mức giá tốt, đa dạng giờ bay, đến nơi cũng không thiếu hoạt động vui chơi, sôi động cả đêm. Chính vì vậy, du khách cũng có tâm lý háo hức hơn khi chọn bay đêm.

Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), cho rằng thời gian nhận phòng khách sạn và khung giờ bay đêm các hãng đang mở bán đang lệch pha.

Hiện nay phần lớn doanh nghiệp khách sạn áp dụng chính sách nhận phòng sau 14h và trả phòng vào 11h. Nếu nhận phòng sớm hoặc trả phòng muộn, khách hàng phải trả thêm phí.

Trong khi đó, khung giờ bay để được mức giá tốt hơn lại lệch so với giờ check-in của điểm lưu trú. Ông Chính cho rằng chính sách bay đêm của các hãng hàng không để đến gần hơn với du khách cần có sự bắt tay với doanh nghiệp du lịch, lưu trú.

Còn ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing công ty lữ hành BestPrice, chỉ ra với khách du lịch tự túc, ngoài phụ thu khách sạn, vấn đề di chuyển từ sân bay về trung tâm cũng khiến họ dè chừng khi bay đêm. Ở một số điểm đến, việc kết nối giữa thành phố và sân bay chưa thuận tiện, khách bay chuyến đêm có thể bị tăng chi phí di chuyển này.

“Trừ những ‘thành phố không ngủ' như TP.HCM hay Đà Nẵng, du khách mới có nhiều lựa chọn di chuyển vào đêm muộn. Còn như tại sân bay Liên Khương (Lâm Đồng), các chuyến bay đêm thật sự là ‘vấn đề nan giải' cho khách", ông bày tỏ.

Chương trình bay đêm cũng không phải lựa chọn tối ưu cho các công ty lữ hành. Đặt chuyến bay trễ có thể ảnh hưởng kế hoạch tour, phát sinh thêm chi phí và không thuận tiện cho du khách.

Để các chuyến bay đêm đến gần hơn với du khách, theo ông Tú cần có một cái "bắt tay" giữa hàng không, khách sạn và vận tải. Các khách sạn có thể thiết kế chương trình ưu đãi giá phòng cho khách sử dụng chuyến bay đêm, đáp ứng phù hợp với khung giờ đang được các hãng hàng không bán với mức giá ưu đãi.

Về phía các địa phương, cần có thêm các phương tiện vận tải phục vụ khách hàng trong khung giờ này, hỗ trợ việc di chuyển từ sân bay về trung tâm thành phố thuận tiện hơn.

Chia sẻ quan điểm, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó tổng giám đốc Công ty lữ hành Vietravel, cho rằng phụ thu khách sạn hay việc di chuyển từ sân bay về thành phố cũng là một trong những nguyên nhân khiến khách hàng còn e ngại chương trình bay đêm.

“Giá vé bay đêm có giảm nhưng các chi phí phát sinh trong đêm đó khiến tổng kinh phí cho chuyến đi không thay đổi nhiều so với bay giờ đẹp", bà Hoàng dẫn chứng.

Để tối ưu hoá trải nghiệm và chi phí cho du khách, các công ty lữ hành thường chọn chuyến bay đi vào sáng sớm và bay về vào đêm muộn. Bên cạnh đó, việc này còn tạo cho du khách cảm giác chuyến đi trọn vẹn hơn.

Cầu không đủ cung với các chuyến bay đêm khiến hãng bay gặp khó. Ảnh: Khánh Huyền.

Sự liên kết giữa ba bên gồm hàng không, du lịch và các điểm đến cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chuyến bay đêm đến gần hơn với hành khách, bà Hoàng cho hay.

Các bên cần ngồi lại với nhau, đưa ra chính sách giá phù hợp với khi khách đến vào khung giờ sáng sớm hoặc đêm muộn. Từ đó du khách sẽ "hiểu và dần làm quen" với chương trình bay đêm.

Khách thờ ơ dù giá rẻ

Trong bối cảnh thiếu máy bay trầm trọng, các hãng hàng không đã tăng tần suất khai thác tàu bay để bổ sung thêm nhiều chuyến nội địa vào buổi đêm và sáng sớm. Giá vé đêm hoặc sáng sớm sẽ thấp hơn 20-30% so với việc bay vào giờ đẹp trong dịp cao điểm hè.

Dù có mức giá thấp hơn, các chuyến bay đêm cũng chưa đủ hấp dẫn hành khách. Ông Lê Hồng Hà, CEO Vietnam Airlines, cho biết riêng tháng 5, hãng đã hủy 10% số chuyến bay đêm vì không có khách. Điều này khiến doanh nghiệp mất chủ động cho giai đoạn cao điểm sắp tới.

Ông Hà nhận định vấn đề nằm ở nhu cầu của thị trường. Các hãng đưa ra chuyến bay đêm song khách hàng chưa sẵn sàng.

"Lý do là vì có nhiều điều không thuận tiện cho khách như mất thêm một đêm khách sạn, điều này khiến các công ty du lịch ngại ngần. Bên cạnh đó, điểm đến hạ tầng giao thông, du lịch có sẵn sàng, thuận tiện cho mọi người đi lại, du lịch không?," vị CEO phân tích.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Vietravel Corp, cũng cho rằng bay đêm "rất khó có khách" bởi thông thường những người có tiền đi du lịch không ai chọn phải khổ sở để bay vào khung giờ đó.

Nhìn nhận bay đêm chỉ phù hợp với việc bay charter (thuê chuyến), theo ông Kỳ, khi thị trường có nhu cầu như thời điểm dịp Tết hay các dịp lễ, nhu cầu của hành khách đi lại nhiều nên các hãng hàng không buộc phải tăng thêm các chuyến bay đêm nhằm đáp ứng nhu cầu.

Còn hiện việc tăng tần suất bay đêm mang tính khá gượng ép và nhu cầu của hành khách cũng không cao, khiến các hãng không có khách.

Khó khăn nhưng không có nghĩa là không có khách, cần tạo sức hút với thị trường, tạo ra một thói quen mới trong tiêu dùng của khách hàng. Theo ông Lê Hồng Hà, vẫn còn dư địa để giảm giá vé máy bay song cần các bên ngồi lại cùng nhau để tìm giải pháp.

Cần có những giải pháp hợp tác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp các chuyến bay đêm, ví dụ như đêm nghỉ đầu tiên khách sạn có thể giảm giá 50% hoặc miễn phí…

Bên cạnh đó, du lịch Việt Nam cần gia tăng sức cạnh tranh như một điểm đến hấp dẫn. Ngành du lịch, hàng không và các địa phương cần làm việc với nhau, hiện vẫn chưa có kế hoạch tổng thể, dài hạn.