Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam

Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam

08:59 - 14/10/2024

Phần lớn đơn, thư phản ánh về dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không liên quan đến việc người tiêu dùng bị hãng hàng không hủy chuyến bay, chậm hoàn tiền vé bị hủy, trễ chuyến.

Vietjet bay chuyến đầu tiên có sử dụng nhiên liệu bền vững SAF
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026
Tỷ lệ chậm chuyến 9 tháng tăng mạnh so với năm 2023

Theo thống kê 8 tháng đầu năm, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia đã tiếp nhận, xử lý 667 đơn, thư phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Trong đó, phần lớn phản ánh liên quan đến các nhóm ngành hàng hoá, dịch vụ như bất động sản, thương mại điện tử, dịch vụ vận chuyển bằng đường hàng không, điện tử gia dụng và dịch vụ ngân hàng.

Cụ thể, trong giai đoạn 17/6 - 30/8, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp nhận, xử lý 90 đơn, thư phản ánh, kiến nghị. Dịch vụ vận chuyển hành khách qua đường hàng không chiếm khoảng 27,8% đơn, thư phản ánh.

Ảnh: Khánh Huyền.

Phần lớn đơn, thư phản ánh về dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không liên quan đến việc người tiêu dùng bị hãng hàng không hủy chuyến bay, chậm hoàn tiền vé bị hủy, trễ chuyến, người tiêu dùng không được hãng hàng không hỗ trong các trường hợp nêu trên.

Theo Điều 8 Thông tư 81/2014 của Bộ GTVT quy định nghĩa vụ tối thiểu của người vận chuyển đối với hành khách đã được xác nhận chỗ và có vé trên chuyến bay, các hãng hàng không có nghĩa vụ hoàn tiền vé lại cho khách hàng bị hủy vé, hủy chuyến.

Tuy nhiên, theo phản ánh của người tiêu dùng, các hãng hàng không thường chậm trễ phản hồi yêu cầu hoàn tiền của người tiêu dùng hoặc chậm trễ hoàn tiền trong thời hạn 90-180 ngày, theo quy định của hãng).

Đáng chú ý, không chỉ người tiêu dùng Việt Nam mà cả người tiêu dùng nước ngoài hay các chuyến bay quốc tế cũng gặp tình trạng tương tự.

Trong số các phản ánh, kiến nghị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận được, một số đơn, thư của người tiêu dùng nước ngoài có nội dung phản ánh, kiến nghị về việc hủy chuyến bay, chậm hoàn tiền, trễ chuyến của một số hãng hàng không Việt Nam.

Đặc biệt, Ủy ban còn tiếp nhận đơn, thư phản ánh của Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng Hàn Quốc (KCA) gửi đến qua thư điện tử. Điều này phần nào làm giảm uy tín của các hãng hàng không Việt Nam, gây mất niềm tin cho người tiêu dùng khi có những lần hoàn tiền kéo dài hơn nửa năm, xa hơn có thể cản trở sự phát triển một số ngành liên quan.

Trước thông tin này, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia lưu ý người tiêu dùng nếu gặp những trường hợp nêu trên có thể gửi phán ánh đến Cục Hàng không Việt Nam để được tiếp nhận và hỗ trợ theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, 9 tháng của năm 2024, tỷ lệ chuyến bay chậm, hủy của các hãng hàng không ở mức gần 26%. Số chuyến bay tiếp tục giảm sau giai đoạn cao điểm hè.

Hai nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chuyến bay cất cánh chậm giờ do máy bay về muộn chiếm 54,9% số chuyến bay delay và do các hãng hàng không chiếm 31,7%.

Các nguyên nhân còn lại được nhà chức trách hàng không chỉ ra là thời tiết (tăng 2,2% so với tháng 8), quản lý, điều hành bay (tăng 0,6%) trang thiết bị, dịch vụ tại sân bay (tăng 0,5%) và các lý do khác.