2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
09:53 - 16/10/2024
FW Aviation (FWA) đang đẩy nhanh các hành động để đưa 4 tàu bay Airbus đã xóa quốc tịch trong vụ tranh chấp thương mại với hãng hàng không Vietjet Air ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026
Tỷ lệ chậm chuyến 9 tháng tăng mạnh so với năm 2023
Vụ tranh chấp liên quan đến việc Vietjet Air thuê 4 máy bay Airbus, gồm 2 chiếc A321-200 và 2 chiếc A321-200N vào năm 2018. Quỹ tài sản Fitzwalter Capital của Anh sau đó mua lại quyền của người được ủy thác an ninh đối với máy bay từ BNP Paribas và ngân hàng Natixis (Pháp) và chuyển sang thực thi các quyền này.
Động thái này dẫn tới một loạt vụ kiện tụng đang diễn ra tại các tòa án ở London (Anh), Singapore và Hà Nội liên quan đến Vietjet Air, các giám đốc và cổ đông của hãng, một số ngân hàng và FWA, một công ty con của Fitzwalter Capital, hiện nắm giữ quyền ủy thác an ninh.
Trao đổi với OpenSky, ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết hai tàu bay trong vụ kiện tranh chấp thương mại liên quan đến 4 tàu bay Airbus của Vietjet đã rời Việt Nam.
2/4 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã ra khỏi Việt Nam. Ảnh minh họa: Khánh Huyền.
"Cục cấp phép bay theo Nghị định 125/2015/NĐ-CP, việc cấp phép trường hợp này không phải phối hợp với bên nào", ông Cẩm nói.
Theo đó, những tàu bay đã chuyển chủ sở hữu và đăng ký quốc tịch nước ngoài muốn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam phải xin cấp phép bay chuyển sân. Để được cấp phép, chủ sở hữu phải có tài liệu chứng minh đủ điều kiện bay của nhà chức trách hàng không nơi tàu bay đăng ký quốc tịch.
Đối với 2 tàu bay đã xóa quốc tịch Việt Nam còn lại, Cục Hàng không Việt Nam không còn thẩm quyền cấp bất kỳ loại giấy chứng nhận đủ điều kiện bay nào. Thẩm quyền pháp lý thuộc về nơi tàu bay đăng ký quốc tịch mới.
Hôm 3/10, tòa án Anh cho phép Vietjet Air kháng cáo vụ kiện khiến hãng bay chịu hơn 275 triệu USD bao gồm các khoản tiền thuê chưa thanh toán, phí chấm dứt hợp đồng và các chi phí khác cho FWA.
Ngay sau phán quyết hồi tháng 7, Vietjet Air cho biết sẽ kháng cáo. Các luật sư của hãng nhận thấy có một số hiểu lầm trong phản ánh ban đầu của tòa án về các sự kiện và tình tiết quan trọng của vụ việc.
Vietjet Air cũng nêu quan điểm tin tưởng vào hệ thống tòa án Anh, tin tưởng công lý sẽ được thực thi, quyết định cuối cùng sẽ công bằng cho hãng trong phiên tòa dự kiến được đưa ra năm 2025. "Chúng tôi tin rằng sự thật sẽ được chứng minh trong thời gian tới", Vietjet Air thông tin.
Hãng hàng không này cho biết đang đàm phán với BNP Paribas và ngân hàng Natixis để giải quyết vấn đề khi các ngân hàng đã bán nợ cho FWA, không đủ tiêu chuẩn định chế tài chính và xử lý tài sản bảo đảm là tàu bay không qua đấu giá minh bạch, ảnh hưởng quyền lợi của bên đi vay. Vietjet Air không đồng ý việc các ngân hàng đột ngột chấm dứt không hợp lệ những hợp đồng vay, thuê mua dài hạn, ổn định của hãng.
Luật sư của hãng bay đồng thời bác bỏ mọi cáo buộc từ FWA, cho rằng bất kỳ hành vi sai trái hay bất minh nào đều rõ ràng thuộc về FWA dựa trên các tình tiết của vụ việc. Hành vi này bao gồm các lỗi nối tiếp và thông tin sai lệch cố ý được cung cấp bởi FWA vi phạm luật pháp và quy định địa phương tại Việt Nam liên quan đến việc xuất khẩu tàu bay và sau đó cố ý đổ lỗi cho các tổ chức Việt Nam và chính hãng hàng không.
Trước đó, Vietjet Air khẳng định hãng luôn thiện chí trao đổi thương mại. Hãng có khả năng tài chính, nhiều lần đề nghị tiếp tục trả tiền thuê hoặc mua lại máy bay, nhất là phục vụ cho nhu cầu của hành khách trong và sau dịch Covid-19, nhưng phía FWA không hợp tác.
Đội ngũ luật sư của Vietjet Air cũng phản đối mọi cáo buộc phát sinh từ các hành vi của FWA, bao gồm những cáo buộc cản trở quyền sở hữu hay xuất khẩu tàu bay. Hãng cho biết hành vi trục lợi trong thời gian thế giới chống chọi với đại dịch của FWA không phù hợp với nguyên tắc thiện chí và tập quán thương mại trong lĩnh vực tài trợ tàu bay.
Những thiệt hại Vietjet Air phải trả cho FWA vẫn chưa được tòa án công bố. Tuy nhiên, công ty đang yêu cầu bồi thường hơn 275 triệu USD, bao gồm 107 triệu USD cho việc chấm dứt dòng A trên các tàu bay loại A321neo và 57 triệu USD đại diện cho các giá trị tương tự trên các máy bay A321-200.
Bên cho thuê cũng yêu cầu thêm 111 triệu USD khoản thanh toán tiền thuê được tích lũy kể từ khi chấm dứt hợp đồng thuê. Ngoài ra, FWA đang yêu cầu các chi phí khác liên quan đến tổn thất do hư hỏng khi trao đổi và khôi phục máy bay về tình trạng giao hàng cùng nhiều chi phí khác.