Tính đến tháng 12/2014, ngành hàng không Việt Nam quản lý 22 cảng hàng không (HK), trong đó có 08 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc, Phú Bài, Cát Bi, Vinh). Các cảng HK được đầu tư ngày càng hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về khả năng tiếp nhận tàu bay, trong đó 25% các cảng HK đạt cấp 4D, 4E có khả năng tiếp thu tàu bay thân rộng như B777, B747 và tương đương; 45% các cảng HK đạt cấp 4C, có khả năng tiếp thu tàu bay A320/A321 và tương đương; 30% các cảng HK đạt cấp 3C là cảng HK nội địa có khả năng tiếp thu tàu bay CRJ900/ATR72/F70...
Tổng công suất thiết kế tính đến hết tháng 3/2015 là 58 triệu lượt hành khách, 666 nghìn tấn hàng hóa.Năm 2014, hành khách qua cảng HK đạt 50,7 triệu lượt hành khách, tăng bình quân giai đoạn 2010-2014 là 12,6%/năm; hàng hoá đạt 895 nghìn tấn, tăng bình quân 11,4%/năm; cất hạ cánh đạt 372 nghìn lần chuyến, tăng bình quân 11%/năm.
Theo thống kê của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam-CTCP (ACV), năm 2019 đánh dấu bước phát triển ấn tượng của thị trường hàng không. Sản lượng vận chuyển toàn mạng Cảng năm 2019 dự kiến đạt 116 triệu hành khách, tăng 12% so với năm 2018. Hệ thống cảng hàng không Việt Nam hiện nay được mở rộng và nâng cấp, trong 22 cảng hàng không có 12 cảng hàng không quốc tế và 10 cảng hàng không nội địa.
Bộ Giao thông cho biết, hiện tại ta khai thác 22 sân bay. Quy hoạch tới năm 2030, dự kiến mạng sân bay gồm 14 Cảng hàng không quốc tế và 17 cảng hàng không nội địa. Đầu tư cơ sở hạ tầng và vận tải hàng không đòi hỏi nguồn vốn lớn, nguồn vốn từ doanh nghiệp nhà nước và ngân sách nhà nước có hạn, chủ yếu tập trung vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn từ doanh nghiệp nhà nước và ngân sách nhà nước mới đáp ứng khoảng 65,8 %. Vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không giai đoạn 2021 - 2030 theo quy hoạch là khoảng 403.106 tỉ đồng. Trong khi đó, ACV mới chỉ cân đối được khoảng 265.150 tỉ đồng; Bộ GTVT cân đối được 9.841 tỉ đồng. Theo đó, cần huy động thêm khoảng 128.115 tỉ đồng.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã tham gia vào lĩnh vực kinh doanh dịch vụ sớm như kinh doanh suất ăn, hàng hoá, vận chuyển hàng không. Từ những năm 1990 đã có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia liên doanh trong lĩnh vực chế biến suất ăn, làm kho hàng hóa Tân Sơn Nhất. Đây là những lĩnh vực mang lại hiệu quả cho nhà đầu tư cũng như giúp các doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh về quy mô, chiều sâu là những điểm sáng ghi nhận, tạo cho ngành hàng không phát triển, hội nhập cũng như tiếp thu công nghệ.
Phó chủ tịch - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam (VABA) và đại diện một số đơn vị thành viên Hiệp hội tham gia Hội thảo.
Luật đầu tư năm 2014 (67/2014/QH 13) và Luật Đầu tư 2020 (61/2020/QH 14) cùng các Nghị định đã thể hiện nhiều nội dung điều chỉnh, nhằm tạo thuận lợi thu hút nhà đầu tư, kể cả tham gia vào lĩnh vực vận tải hàng không và tháo gỡ rào cản để các nhà đầu tư tham gia các lĩnh vực khác thuộc lĩnh vực kinh doanh hàng không. Thời gian qua, đã có một số nhà đầu tư đăng ký tham gia đầu tư vào một số hãng hàng không kể cả hãng hàng không quốc gia.
Tuy nhiên, đầu tư nước ngoài lĩnh vực hàng không vẫn chưa đạt kỳ vọng dù có nhiều tiềm năng do một số nguyên nhân. Nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực hàng không đòi hỏi vốn lớn, thời gian thu hồi vốn dài; Hiệu quả đầu tư thấp nên các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước khá thận trọng.
Những quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện,những khó khăn và rủi ro cao của các doanh nghiệp kinh doanh liên quan lĩnh vực hàng không nhất là suy giảm nghiêm trọng do đại dịch cũng như bất ổn giữa các khu vực.
Hơn nữa, quy định hiện nay về tỷ lệ tham gia vốn vào doanh nghiệp vận tải hàng không, nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 34%. Đây cũng là yếu tố hạn chế khi nhà đầu tư muốn tăng tỷ lệ tham gia vốn góp để thực hiện mục tiêu kinh doanh dài hạn.
Tỷ lệ tham gia vốn của doanh nghiệp nước ngoài trong kinh doanh hàng không và vận chuyển hàng không chung là một trong những vấn đề được quan tâm trong giai đoạn vừa qua. Nhìn lại năm 2007, Nghị định 76/2007/NĐ-CP về kinh doanh hàng không và vận chuyển hàng không chung, Khoản b Điều 10 quy định “nước ngoài không chiếm quá 49% vốn điều lệ đối với hãng hàng không, hoặc 49% vốn điều lệ đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng không chung; một cá nhân hoặc pháp nhân nước ngoài không chiếm quá 30% vốn điều lệ”
Cách đây hơn 10 năm, chính sách này được cho là khá thông thoáng khi cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào hàng không Việt Nam hoặc liên doanh liên kết thành lập hãng bay mới, với mức vốn góp lên tới 49%.
Tiên phong là việc Tập đoàn Qantas của Australia năm 2007 rót 50 triệu USD (khoảng 890 tỷ đồng thời điểm đó) mua lại 30% vốn tại Jetstar Pacific. Trong cuộc đua với hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Đông Nam Á AirAsia, Qantas thắng chung cuộc, trở thành nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên góp vốn vào một hãng hàng không của Việt Nam.
Về phía AirAsia, sau thất bại trên, vẫn kiên trì tìm đối tác để tiếp tục lập hãng hàng không mới tại Việt Nam, lần này Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) được chọn. Hai bên đã đạt được thỏa thuận chung. AirAsia lo về phần bay và góp 30% vốn, Vinashin lo các thủ tục, giấy phép. Song, kế hoạch của AirAsia một lần nữa đổ vỡ, cũng chính bởi lý do liên quan đến phần góp vốn của nhà đầu tư ngoại trong việc thành lập hãng hàng không nội.
Năm 2013, nghị định 30/2013/NĐ-CP ra đời sau đó đã siết chặt ngay: nhà đầu tư nước ngoài không đầu tư quá 30% vốn điều lệ tại một hãng hàng không. Quy định này được giữ nguyên tại Nghị định 92/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Trước sự phát triển bùng nổ của thị trường hàng không Việt Nam khi luôn tăng trưởng ở mức hai con số, nhu cầu về nguồn vốn tăng cao cùng với yêu cầu đặt ra về những điều kiện gia nhập thị trường hàng không cân bằng hơn giữa các nước,... một lần nữa đề xuất nới room cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào các hãng hàng không lại được đặt ra.
Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 89/2019/NĐ-CP sửa đổi một số điều Nghị định 92/2016 điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng không dân dụng, trong đó chính thức chỉ cho phép các hãng hàng không Việt Nam bán tối đa 34% cổ phần cho nước ngoài.
Tỉ lệ 34% đã không đạt kỳ vọng của các doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Campuchia đều cho nhà đầu tư nước ngoài góp 49% vốn, Philippines là 40%,...
Cũng như các ngành khác, việc gia nhập WTO, cũng như việc ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) tạo thuận lợi để kinh doanh mở rộng thị trường và hợp tác quốc tế. Việt Nam là nước có thị trường hàng không dự báo mức tăng trưởng nhanh trong khu vực, trên thế giới.
Đế các doanh nghiệp hoạt động vận chuyển hàng không sớm hồi phục, phát triển trở lại mức tăng trưởng cao như trước dịch (2019), những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải hàng không không chỉ giúp các Hãng hàng không trong nước mà còn thúc đẩy các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, dịch vụ, thương mại hàng không cùng sớm hồi phục và phát triển. Cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính sẽ là cơ sở, là động lực để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào hoạt động, kinh doanh hàng không.
Thu hút đầu tư và du lịch sẽ giúp hàng không hồi phục và sớm duy trì mức tăng trưởng nhanh (thời gian dài trên 10 năm, hàng không Việt Nam tăng trưởng bình quân 18%).
Thị trường hàng không Việt Nam còn nhiều tiềm năng trong khi các hãng bay Việt Nam chỉ vận chuyển khoảng 10% sản lượng hàng hóa và phụ thuộc phần lớn vào các công ty giao nhận nước ngoài. Như vậy, dư địa vẫn còn rất lớn.
Các nhà đầu tư nước ngoài cũng như trong nước đang tiếp tục tham gia vào lĩnh vực vận tải, công nghiệp hàng không, đào tạo và đầu tư cơ sở hạ tầng như cảng hàng không, sân bay. Airbus hay Boeing là những ví dụ điển hình.
Các khoản đầu tư của Boeing tại Việt Nam đã giúp phát triển ngành hàng không vũ trụ bản địa, tạo công ăn việc làm và thúc đẩy sự đổi mới. Cụ thể gần đây, Boeing đã hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp Liên bang Australia (CSIRO) và Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam (VNSC) để giúp xây dựng nền tảng kỹ thuật phân tích dữ liệu vệ tinh phục vụ công tác giám sát môi trường và nông nghiệp bền vững.
Hiện nay, các cảng sân bay địa phương, có tiềm năng du lịch và phát triển kinh tế; lĩnh vực đào tạo và công nghiệp hàng không là những lĩnh vực các nhà đầu tư đang quan tâm. Cùng với chính sách thu hút đầu tư của Nhà nước, của địa phương tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu và lựa chọn.
Lĩnh vực đào tạo đã thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư 100% vốn hoặc liên doanh với các doanh nghiệp trong nước, mở ngành nghề đào tạo người lái máy bay,quản trị chuyên ngành hàng không và nhân viên kỹ thuật nhằm khai thác mặt bằng tại chỗ,giảm chi phí và đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các hãng hàng không trong nước và khu vực.
Theo Opensky.com.vn