Vietravel Airlines muốn có thêm tàu và slot bay

Vietravel Airlines muốn có thêm tàu và slot bay

10:35 - 26/07/2024

Vietjet bay chuyến đầu tiên có sử dụng nhiên liệu bền vững SAF
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026

Trong 6 tháng đầu năm, Vietravel Airlines (VU) ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực. Lần đầu tiên sau hơn 3 năm hoạt động, hãng bay đạt lãi ròng một quý hơn 10 tỷ đồng. Số lượng chuyến bay và hành khách cũng ở mức tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ.

Tuy nhiên, trên thực tế, hãng hàng không du lịch này vẫn đang đối mặt với những khó khăn chung của toàn ngành như khoản nợ với nhà cung cấp, đối tác trong giai đoạn dịch Covid-19, thiếu hụt tàu bay hay chi phí nhiên liệu.

Thêm tàu bay và đường bay mới

Chia sẻ về hoạt động khai thác trong giai đoạn nửa đầu năm, đại diện hãng cho biết Vietravel Airlines đã vận chuyển hơn 700.000 lượt khách, tăng hơn 39% so với cùng kỳ 2023, hiệu suất sử dụng ghế đạt trung bình trên 90%.

Tổng số chuyến bay hãng thực hiện tăng 17,9% so với cùng kỳ, đạt hơn 3.700 chuyến với số ghế cung ứng đạt hơn 777.000 ghế, tăng 18,8% so với năm trước.

Về mạng lưới đường bay, hãng tiến hành khai thác thêm ở cả thị trường nội địa và quốc tế. Theo đó, Vietravel Airlines triển khai bay đêm các đường bay trục như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng hay Hà Nội - Đà Nẵng.

Vietravel Airlines đang khai thác đội bay gồm 3 chiếc A321-200. Ảnh: VU.

Từ 15/7, hãng triển khai tăng tần suất trên các đường bay đến các điểm du lịch như Phú Quốc, Đà Nẵng lên 2-3 chuyến/ngày, phục vụ cho nhu cầu tăng cao mùa du lịch hè.

Sang tháng 8, hãng cũng lên kế hoạch mở rộng các chuyến bay đến Đài Loan (Trung Quốc), gồm Phú Quốc - Đài Bắc, Huế - Đài Trung và Đà Nẵng - Đài Trung.

Với định hướng là hãng hàng không du lịch và có thế mạnh sở hữu đơn vị lữ hành Vietravel Holidays, các đường bay mà VU tập trung khai thác sẽ hướng đến đối tượng chính là du khách .

Trong năm nay và đầu năm 2025, hãng dự kiến khai thác các đường bay đến Đài Loan và Hàn Quốc nhằm góp phần tăng thêm lượng khách quốc tế đến du lịch Việt Nam.

Vietravel Airlines cũng khai thác thêm các đường bay charter (bay thuê chuyến) đến Bangkok (Thái Lan) và một số chặng mới như Hà Nội - Tam Á (Trung Quốc), TP.HCM - Takamatsu/Fukushima và Đà Nẵng - Fukushima (Nhật Bản).

Để thực hiện được kế hoạch trên và đáp ứng nhu cầu của hành khách, trong 6 tháng cuối năm và 2025, hãng bay này dự kiến nhận thêm một tàu thuê ướt và đang đàm phán để thuê ướt thêm 1-2 tàu cho giai đoạn cuối năm.

Chia sẻ tại một hội thảo về hàng không hồi tháng 5, ông Lê Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Vietravel Airlines, cho biết còn khá nhiều quy định đang "trói" doanh nghiệp.

Ví dụ, quy định hiện nay chỉ cho phép mỗi hãng được phép thuê ướt máy bay bổ sung 30% năng lực. Hiện, Vietravel Airlines có 3 máy bay, muốn thuê thêm cũng chỉ được một tàu. Điều này khiến hãng bị khống chế số lượng tàu thuê ướt có thể nhận thêm trong bối cảnh tàu thuê khô đủ điều kiện vận hành đang khan hiếm trên thế giới.

Ngoài ra, mức giá thuê hiện tại rất cao, khiến chi phí vận hành tăng đáng kể và ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh của hãng.

Cần thêm slot bay

Hiện VU sở hữu rất ít slot bay lịch sử (chuỗi slot được dùng đúng với tỷ lệ ít nhất 80%), đội tàu bay mỏng dẫn tới việc xoay lịch bay khi có bất thường gặp khó khăn và luôn ảnh hưởng tới tỷ lệ sử dụng slot cũng như tỷ lệ khớp lịch.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu tải do thu hồi động cơ cũng là nỗi lo chung của toàn ngành hàng không, khiến việc duy trì thực hiện theo đúng các tỷ lệ của Thông tư 52 đối với các slot cảng nội địa, đồng thời đảm bảo lịch bay để giữ các slot quốc tế gặp khó.

Việc sở hữu ít slot bay lịch sử khiến hãng gặp khó khăn khi sắp xếp lịch bay. Ảnh: VU.

Trước tình hình này, Vietravel Airlines đề xuất Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục kéo dài tỷ lệ sử dụng đúng slot ở mức 65% tới hết lịch bay mùa đông (W24), từ lịch bay mùa hè 2025 (S25) sẽ đánh giá sau; tiếp tục xem xét vẫn cấp mới slot cho các hãng có đội 3 tàu bay trở xuống (không tính tàu thuê ướt) để có khả năng xoay, điều chỉnh lịch bay khi gặp các yếu tố bất thường và biến động của thị trường.

Các hãng hàng không khác nếu có slot nhưng không có nhu cầu sử dụng hoặc không đủ năng lực sử dụng có thể trả ra sớm trước 30 ngày và phân bổ lại cho các hãng khác có nhu cầu.

Không chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi vấn đề thu hồi động cơ toàn cầu nhưng để đủ tải cung ứng, VU cũng đề nghị cơ quan quản lý xem xét kiến nghị Chính phủ phê duyệt điều chỉnh hoặc gỡ bỏ các điều khoản giới hạn số lượng tàu bay thuê ướt tại Nghị định 92 để có cơ hội nhận thêm tàu bay.

Tương tự các hãng bay khác, Vietravel Airlines phải phát sinh thêm chi phí tài chính, hoạt động bởi chi phí nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ tăng.

Từ thực trạng này, hãng đề xuất xem xét điều chỉnh giảm mức thuế nhập khẩu với nhiên liệu hàng không xuống 0% và gia hạn thời gian áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không ở mức 1.500 đồng/lít đến hết năm 2025.

Đồng thời, VU đề xuất cho phép các hãng được phép chủ động áp dụng phụ thu nhiên liệu đối với các đường bay nội địa nếu giá Jet-A1 tăng cao, từ 105 USD/thùng.

Đối với các chuyến bay đêm, hãng mong muốn được giảm giá dịch vụ mặt đất, phí quản lý cảng, phí phục vụ khai thác để có cơ sở giảm giá vé cho người dân thay vì phải áp dụng phụ thu thêm 10% như hiện nay.

Nguồn: Vân Khanh/OpenSky