Việt Nam là thị trường trọng điểm về lĩnh vực hàng không, vũ trụ

Việt Nam là thị trường trọng điểm về lĩnh vực hàng không, vũ trụ

10:06 - 09/12/2022

Trong tương lai, dòng máy bay trực thăng quân sự của Việt Nam sẽ hướng đến sự hiện đại hóa và đổi mới đội bay nhằm phục vụ nhiều nhiệm vụ cho ngành dầu khí, tìm kiếm cứu nạn...

Vietjet bay chuyến đầu tiên có sử dụng nhiên liệu bền vững SAF
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026

Máy bay trực thăng H225 đa dụng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động khai thác ngoài khơi, vận tải. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Máy bay trực thăng H225 đa dụng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động khai thác ngoài khơi, vận tải. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bà Hoàng Tri Mai, Tổng giám đốc Airbus tại Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam là thị trường trọng điểm của Airbus với các sản phẩm máy bay thương mại, quốc phòng, trực thăng và hàng không vũ trụ.

Trao đổi vào chiều 7/12, trước thềm Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 diễn ra từ ngày 8-10/12 tại Hà Nội, bà Mai cho biết Airbus nhận thấy tiềm năng tăng trưởng trong các hoạt động về quân sự và hàng không vũ trụ tại Việt Nam đồng thời tái khẳng định cam kết về sự hiện diện của tập đoàn tại đây.

“Việt Nam là một trong 2 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á tự chủ về công nghệ vệ tinh, vũ trụ và cũng tích cực đổi mới đội máy bay gồm cả máy bay cánh bằng và trực thăng phục vụ cho dịch vụ công, ngành dầu khí, tìm kiếm cứu nạn...,” lãnh đạo Airbus cho hay.

Đánh giá lĩnh vực máy bay thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam cũng rất tiềm năng, theo bà Mai, Airbus hiện là Công ty đứng đầu trong phân khúc máy bay thăm dò và khai thác dầu khí tại Việt Nam, chiếm 50% đội máy bay trực thăng đang được khai thác, bao gồm trực thăng H225 đa dụng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động khai thác ngoài khơi, vận tải. Các dòng trực thăng H145M và H225M, H175 phù hợp với ngành dầu khí, các dịch vụ công cộng, tìm kiếm cứu nạn, thực thi pháp luật và nhiều nhiệm vụ khác.

Trong tương lai, Airbus nhận thấy nhu cầu về máy bay trực thăng quân sự của Việt Nam sẽ hướng đến sự hiện đại hóa và đổi mới đội bay để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, thực thi pháp luật, an ninh hàng hải và dịch vụ công, trong khi phân khúc thăm dò và khai thác dầu khí sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu cho dòng trực thăng dân dụng.

Về lĩnh vực không gian vũ trụ, theo đại diện Airbus, Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có công nghệ tự chủ về lĩnh vực này. Hiện nay, tại khu vực Đông Nam Á, chỉ có Việt Nam và Thái Lan phát triển công nghệ vũ trụ tự chủ, cung cấp năng lực giám sát quốc gia.

Việt Nam và Airbus đã hợp tác để phát triển, sản xuất và cho ra mắt vệ tinh VNREDSat-1, vệ tinh quan sát Trái Đất đầu tiên của Việt Nam. VNREDSat-1 được phóng lên quỹ đạo vào năm 2013, đánh dấu việc Việt Nam bắt đầu chủ động tham gia khám phá vũ trụ. Hiện nay, vệ tinh này vẫn đang hoạt động tốt mặc dù đã vượt quá thời gian hoạt động dự kiến.

Dựa trên thành công của VNREDSat-1, Airbus đang hợp tác chặt chẽ với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam để xác định giải pháp cho vệ tinh VNREDSat-2, trong đó bao gồm chương trình chuyển giao công nghệ.

“Việt Nam là đối tác quan trọng của Airbus, là đối tác có chung tầm nhìn trong việc phát triển nền công nghiệp hàng không trong tương lai. Chúng tôi quyết tâm tăng cường sự hợp tác tại đây để có thể hỗ trợ ngành công nghiệp hàng không Việt Nam ngày càng lớn mạnh,” bà Mai khẳng định./.

Theo Opensky.com.vn