VATM: Tự hào hành trình 29 năm phát triển

VATM: Tự hào hành trình 29 năm phát triển

10:44 - 20/04/2022

Trong chặng đường xây dựng và phát triển, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, được Hiệp hội vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) trao giải thưởng “Đại bàng” và nhiều phần thưởng cao quý khác - khẳng định thương hiệu, uy tín của VATM trong khu vực và trên thế giới.

Vietjet bay chuyến đầu tiên có sử dụng nhiên liệu bền vững SAF
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026

Cách đây 29 năm, khi đất nước chuyển mình bước vào thời kỳ hội nhập, ngành Hàng không tiếp tục được cơ cấu, kiện toàn, ngày 20/4/1993 Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 746/QĐ/TCCB-LĐ về việc chuyển đổi tổ chức Công ty Quản lý bay Hàng không dân dụng Việt Nam thành Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (nay là Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam). Đây là mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự ra đời, khởi đầu của quá trình phát triển của VATM.

29 năm qua, với Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là chặng đường vẻ vang hào hùng, là thời kỳ phát triển rực rỡ trong sự nghiệp hiện đại hóa và hội nhập không vận quốc tế. VATM đã đổi mới tư duy kinh tế, đổi mới cơ chế quản lý, từng bước kiện toàn về tổ chức, quản trị doanh nghiệp và đầu tư phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao, cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay có chất lượng, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Nhà nước.

Tổ chức cung cấp dịch vụ điều hành bay an toàn - điều hòa - hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng trời quốc gia

Ngay từ ngày đầu thành lập, VATM tiếp tục được Nhà nước, Cục Hàng không Việt Nam tin tưởng giao trọng trách tiếp tục tham gia cuộc đấu tranh giành lại quyền điều hành Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh nhằm khẳng định vùng trời trách nhiệm và vị thế của Hàng không Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời xác lập một vùng trời mà trong đó VATM có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay. Đây là cuộc đấu tranh liên tục, phức tạp kéo dài từ sau khi thống nhất đất nước đến tháng 08/12/1994, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) chính thức giao lại cho Việt Nam, VATM được tiếp quản, điều hành.

Việc giành lại quyền điều hành phần phía Nam Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh vào ngày 08/12/1994 đã trở thành mốc son trong lịch sử phát triển của ngành hàng không dân dụng nói chung và ngành Quản lý bay nói riêng trên các phương diện chính trị, kinh tế, kỹ thuật, quốc phòng an ninh. Thắng lợi to lớn đó đã mở ra cánh cửa hội nhập quốc tế về quản lý không lưu, cung cấp kịp thời, đầy đủ các dịch vụ điều hành bay, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay đi, đến và bay quá cảnh trong vùng trời trách nhiệm được giao.

Kíp trực điều hành bay

Trong những ngày đầu thành lập, VATM cung cấp dịch vụ điều hành bay trên 13 đường bay thuộc kế hoạch không vận khu vực phân công. Kể từ khi tiếp nhận phần phía Nam FIR Hồ Chí Minh đến nay, VATM đảm bảo an toàn cho các hoạt động bay trong vùng trời trách nhiệm với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích hơn 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải rộng trên khắp 28 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cho 35 đường bay trong nước và 36 đường bay quốc tế, trong đó có 02 đường bay nằm trong số 10 đường bay có mật độ đông đúc nhất thế giới, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.

Nằm trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có tốc độ tăng trưởng vận tải hàng không cao nhất thế giới, trong nhiều năm trước khi đại dịch Covid bùng phát (năm 2020), hàng không Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng liên tục hai con số. Riêng năm 2019, sản lượng điều hành bay đạt mốc kỷ lục gần 1 triệu lần chuyến. Hiểu rõ được những thách thức này, trong nhiều năm qua, Tổng công ty đã quyết liệt triển khai đồng bộ, hàng loạt các giải pháp chiến lược tổ chức phân chia lại vùng trời, mở thêm đường bay trên biển Đông, đường bay thẳng, áp dụng phương thức giảm phân cách cao trên tất cả các đường bay trong vùng FIR của Việt Nam, triển khai đồng bộ các phương thức điều hành bay mới dựa trên công nghệ tiên tiến nhằm tăng năng lực điều hành, tăng khả năng thông qua vùng trời, đặc biệt góp phần giảm tình trạng ách tắc tại các sân bay lớn có mật độ bay cao.

VATM chào mừng điều hành chuyến bay thứ 900 nghìn trong năm 2019 

Năm 2001, VATM xây dựng hệ thống đường bay mới trên khu vực Biển Đông và đường bay A202 – bay từ Bắc Cốc tới Hồng Kông. Năm 2002, VATM triển khai áp dụng phương thức giảm phân cách cao trên toàn bộ các đường bay. Năm 2016, VATM đã đưa vào khai thác trục đường bay song song một chiều Bắc Nam áp dụng dẫn đường theo tính năng tiêu chuẩn (RNAV5). VATM triển khai áp dụng đồng bộ các phương thức cất hạ cánh với công nghệ tiên tiến (RNAV1), phân chia lại vùng trời tiếp cận tại sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh; tích cực triển khai chương trình quản lý luồng không lưu (ATFM) và phối hợp ra quyết định (ACD/M) nhằm tối ưu hóa quỹ đạo bay của tàu bay,  giảm yêu cầu xử lý xung đột, giảm tải công việc cho kiểm soát viên không lưu, giảm phát thải ra môi trường, giảm thiểu thời gian bay, mang lại hiệu quả kinh tế cho các hãng hàng không.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, để bắt kịp xu thế chung trong tiến trình hội nhập, VATM cũng không ngừng mở rộng hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và thực hiện các chương trình hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay, các tổ chức, hiệp hội trong khu vực và trên thế giới.

Bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm, 29 năm qua, tập thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã bảo đảm điều hành bay an toàn cho hơn 10,5 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Tổng thu điều hành bay đạt hơn 60 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN đạt trên 31 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, VATM đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc.

Không ngừng đầu tư xây dựng đổi mới, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại

29 năm qua, cùng với đà phát triển của đất nước, hoạt động hàng không trong nước và khu vực liên tục tăng trưởng, để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý điều hành bay, VATM luôn chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ, tạo ra sự thay đổi đột phá trong công nghệ quản lý điều hành bay và đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn bay của các hãng Hàng không trong nước và quốc tế. Đến nay, hệ thống các cơ sở điều hành bay của Tổng công ty được đầu tư đồng bộ trải dài trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước. VATM hiện có 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài, 04 Trung tâm Kiểm soát tiếp cận, 22 đài kiểm soát tại sân được đầu tư nâng cấp với quy mô và công năng hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Các cơ sở điều hành bay đã phát huy tốt hiệu quả sau đầu tư, khai thác tối đa năng lực của các sân bay từ chỗ chỉ khai thác ban ngày, đến nay đã đủ khả năng khai thác 24/24 giờ kể cả trong điều kiện thời tiết phức tạp.

Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội 

Hệ thống cơ sở điều hành bay của VATM hiện nay đã được đổi mới các dây chuyền công nghệ theo hướng đồng bộ và tự động hoá, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới, chất lượng cao như: hệ thống xử lý dữ liệu tự động, ứng dụng công nghệ dẫn đường vệ tinh, giám sát tự động ADS-B, hệ thống chuyển giao dữ liệu bay tự động, công nghệ kiểm soát luồng không lưu,… Qua đó kịp thời đáp ứng được tốc độ tăng trưởng hiện nay của vận tải hàng không trong nước và quốc tế, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ điều hành bay.

Cùng với việc đổi mới các hệ thống thiết bị công nghệ hiện đại, VATM chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, phát triển đội ngũ nhân viên với đầy đủ trình độ và năng lực để quản lý, tiếp thu và vận hành các hệ thống trang thiết bị hiện đại, tiên tiến. Đây được coi là nhiệm vụ trọng tâm, là một trong những yếu tố, động lực quan trọng để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần trong việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành Quản lý bay nói riêng, ngành Hàng không dân dụng nói chung theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Các học viên thuộc Chương trình Xã hội hóa đào tạo cơ bản KSVKL khóa II của VATM
tham gia khóa học tại Airways New Zealand

Năm 2013, VATM đã thành lập Trung tâm Đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ quản lý bay để thực hiện công tác huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho lực lượng lao động trong dây chuyền cung cấp dịch vụ đảm bảo điều hành bay. VATM đã mở rộng liên kết, hợp tác với các đối tác là thành viên chính thức của tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế có uy tín để tổ chức các khóa đào tạo, mời chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy tại Việt Nam và hỗ trợ kinh nghiệm đào tạo nhằm tiết giảm chi phí. Từ năm 2015 đến nay, VATM triển khai thực hiện Đề án Xã hội hóa đào tạo kiểm soát viên không lưu, mở ra cho Tổng công ty một hướng đi mới trong công tác đào tạo nguồn nhân lực. Đến nay, VATM đã tổ chức được các khóa học đào tạo cho hàng trăm học viên đào tạo chuyên ngành Kiểm soát viên không lưu tại Trung tâm huấn luyện Airways, New Zealand. Cùng với đó, VATM đã phối hợp với Học viện Hàng không tổ chức các lớp đào tạo kiểm soát viên không lưu cơ bản ở trong nước. Các khóa đào tạo theo mô hình này đã cung cấp cho Tổng công ty nguồn nhân lực có chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng nhu cầu phát triển của Tổng công ty trong những năm tới.

Đến nay, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu của VATM có đủ trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng thực hành để thực hiện các phương thức điều hành bay tiên tiến hiện đại, sẵn sàng quản lý, khai thác, bảo dưỡng tốt trang thiết bị chuyên ngành Quản lý bay nhằm nâng cao chất lượng các dịch vụ điều hành bay theo tiêu chuẩn, khuyến cáo thực hành của ICAO. Phát huy khả năng nguồn lực sẵn có, VATM chú trọng khuyến khích lực lượng kỹ thuật đầu ngành nghiên cứu, thử nghiệm và lắp đặt thành công các sản phẩm cơ khí, điện tử, phần mềm công nghệ thông tin phục vụ ngành Quản lý bay trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Vượt qua thách thức để tiếp tục phát triển

Từ năm 2020 đến nay, vượt qua những khó khăn, thách thức và những thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, VATM đã xác định mục tiêu phát triển hệ thống quản lý bay trên quan điểm xây dựng được các nền tảng cho sự phát triển bền vững thông qua ba trụ cột là đầu tư cơ sở vật chất công nghệ kỹ thuật hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, xây dựng mô hình quản lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay và môi trường pháp lý phù hợp với các quy định của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

VATM ưu tiên tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và khởi công một số dự án trọng điểm của ngành và của Quốc gia, trong đó chú trọng các dự án: Thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” Cảng HKQT Long Thành - Giai đoạn 1; Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh; các Trạm radar sơ cấp, thứ cấp Nội Bài, Cam Ranh; Trạm Radar thứ cấp Vinh, Quy Nhơn, Cà Mau; Đài KSKL Buôn Mê Thuột; nâng cấp, thay thế các thiết bị của AACC/HCM; các dự án tại Cảng hàng không Điện Biên… Xác định được tầm quan trọng và tính cấp thiết của các dự án, VATM đang quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện với quyết tâm chính trị cao nhất, hoàn thiện và nâng cao hiệu quả công tác quản lý, tận dụng tối đa nguồn lực của VATM, đảm bảo quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư phát triển và chất lượng, tiến độ các dự án đầu tư.

VATM đặc biệt chú trọng vào mục tiêu Phát triển năng lực điều hành bay đáp ứng yêu cầu về chất lượng dịch vụ tin cậy, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho 100% các chuyến bay trong vùng trách nhiệm; Phấn đấu đến năm 2030 phát triển VATM trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực Đông Nam Á trên cả hai tiêu chí năng lực điều hành bay và chất lượng cung cấp các dịch vụ, có hệ thống quản lý an toàn tin cậy, áp dụng công nghệ hiện đại và các giải pháp quản lý không lưu tiên tiến đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành Hàng không trong nước và thế giới.

Theo VATM