VATM: ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG

VATM: ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG ANH HÙNG

15:20 - 11/04/2023

Gần 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Hàng không Việt Nam đã vượt qua biết bao khó khăn thử thách, để xây đắp nên nhiều thành tích rất đáng tự hào, tự tin hội nhập cùng với cộng đồng Hàng không thế giới và đã có những đóng góp quan trọng trong sự phát triển nền kinh tế của đất nước. Trong những thành tích chung của ngành Hàng không Việt Nam có sự góp sức không nhỏ của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). 

Tăng lượt cất, hạ cánh Sân bay Tân Sơn Nhất dịp 30/4-1/5 và cao điểm Hè
Tàu đổ bộ SLIM của Nhật Bản truyền về Trái Đất những hình ảnh mới
Máy bay A330-200 của Qantas Airways hạ cánh an toàn với 1 động cơ
Lựa chọn nhà đầu tư Dự án thành phần 4 Cảng hàng không quốc tế Long Thành
Sẽ triển khai thu phí không dừng đồng loạt tại 5 sân bay từ ngày 5/5

Tiếp nối truyền thống của các đơn vị tiền thân của Tổng công ty, trong suốt 30 năm, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam vẫn luôn luôn giữ vững và phát huy được những truyền thống vẻ vang; nêu cao ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vươn lên; từng bước đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật ngày càng hiện đại; luôn tiếp thu và làm chủ công nghệ mới, đưa lĩnh vực Quản lý hoạt động bay vươn lên sánh vai với các nước có nền công nghiệp hàng không tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. 

Trong 30 năm xây dựng và phát triển, Tổng công ty đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào.

Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất

Tất cả cho những chuyến bay an toàn

Kể từ khi tiếp nhận quyền điều hành phần phía Nam FIR HCM từ tháng 12/1994 đã mở ra thời kỳ hội nhập quốc tế về không vận. Hiện nay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ không lưu trong toàn bộ vùng trời chủ quyền trên lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và tại tất cả các cảng hàng không, sân bay trên cả nước. Với quy mô cung cấp dịch vụ trên diện tích gần 1,2 triệu km2, phạm vi hoạt động trải dài trên gần 30 tỉnh, thành phố của cả nước, trực tiếp cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên 35 đường hàng không nội địa và 36 đường hàng không quốc tế, đặc biệt FIR Hồ Chí Minh có các đường hàng không với mật độ bay cao, giữ vị trí quan trọng đối với hoạt động bay trên khu vực biển Đông.

Hàng ngày, đã có hàng ngàn chuyến bay đi/đến và quá cảnh của hơn 150 hãng Hàng không trên thế giới thường xuyên hoạt động 24/24 giờ trong vùng thông báo bay của Việt Nam. Trong 30 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu, tập thể CB-CNV Tổng công ty không để xảy ra mất an toàn trong phạm vi trách nhiệm, tổng sản lượng điều hành bay của liên tục tăng trưởng với tốc độ cao trong khu vực. Cùng với đó, công tác phục vụ tàu bay chuyên cơ là một nhiệm vụ chính trị rất quan trọng. Tổng công ty luôn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan trong và ngoài ngành xin cấp phép bay đảm bảo phục vụ điều hành cho trên 5.000 chuyến bay chuyên cơ tới các châu lục an toàn và đúng kế hoạch, tuân thủ theo Công ước quốc tế của Hàng không dân dụng, góp phần tích cực phục vụ Đảng, Nhà nước ta thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại trong sự nghiệp đổi mới.

Với hệ thống ra-đa giám sát được trang bị rất hiện đại, Tổng công ty đã giám sát theo dõi và phát hiện hàng chục vụ máy bay lạ xâm phạm vùng trời của Việt Nam, kịp thời phối hợp hiệp đồng với các đơn vị quốc phòng và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay; phối hợp với Bộ Ngoại giao, Cục Tác chiến thực hiện cấp phép bay cấp cứu y tế, bay quân sự nước ngoài, bay đột xuất; quản lý các hoạt động bay tìm kiếm, bay thăm dò, bay chuyên nghiệp… góp phần giữ vững an ninh an toàn chủ quyền vùng trời Tổ quốc.

Xác định điều hành bay an toàn, điều hòa, hiệu quả cho tất cả các chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm là nhiệm vụ cốt lõi, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam luôn chủ trương không ngừng thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ không lưu thông qua việc đổi mới, cải tiến phương thức điều hành bay; tối ưu hóa tổ chức vùng trời đường dài và trung tận; áp dụng công nghệ dẫn đường tiên tiến tại các sân bay có mật độ hoạt động bay cao; tích cực học tập, hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài để nghiên cứu tối ưu hóa vùng trời và phương thức bay tại Việt Nam đáp ứng nhu cầu tăng trưởng nóng của hàng không trong nước và quốc tế. 

Đài Kiểm soát không lưu Cam Ranh

Nhiều năm qua, Tổng công ty đã  phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý bay của các quốc gia lân cận tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là việc hoạch định lại hệ thống đường bay và tổ chức vùng trời, tiêu biểu như: thực hiện hệ thống dẫn đường bay áp dụng đặc tính dẫn đường RNP trên biển Đông năm 1996; triển khai hệ thống đường bay mới trong các vùng thông báo bay của Việt Nam gồm 15 đường bay quốc nội, 22 đường bay quốc tế năm 2001, đã tối ưu hoá việc quản lý vùng trời, tổ chức khai thác, lập kế hoạch bay linh hoạt hơn, giảm tắc nghẽn và sự chậm trễ cho các chuyến bay, tiết kiệm nhiên liệu và thời gian, tăng tần suất bay thoả mãn nhu cầu tăng trưởng của ngành HK trên thế giới; năm 2002 đến 2008, triển khai quyết định của ICAO về giảm thiểu phân cách cao nhằm tăng tần suất bay; năm 2007, 2008, áp dụng phương thức dẫn đường theo yêu cầu, triển khai thành công phương thức kiểm soát điều hành bay sử dụng phương thức liên lạc dữ liệu giữa KSVKL và người lái, áp dụng giám sát tự động phụ thuộc tại các khu vực ngoài vùng phủ sóng rada thứ cấp thuộc FIR HCM. Năm 2014, VATM chính thức trở thành thành viên của tổ chức CANSO - một tổ chức của các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay trên thế giới, đại diện cho lợi ích của cộng đồng quản lý không lưu toàn cầu. 

Hiện tại Tổng công ty đã triển khai áp dụng các phương thức bay dựa trên tính năng PBN tại các sân bay Việt Nam, dự tính đến tháng 06 năm 2023 Tổng công ty áp dụng toàn bộ phương thức bay PBN tại 22 sân bay. Việc đưa vào áp dụng các phương thức bay, đường bay PBN tại Việt Nam đã đánh dấu một cột mốc thay đổi lớn trong phương pháp điều hành bay thông qua việc tận dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến của tàu bay, từ đó giúp giảm tải khối lượng công việc của KSVKL và phi công, giảm nhu cầu dẫn dắt tàu bay bằng radar tại những nơi được trang bị giám sát cũng như nhu cầu liên lạc thoại vô tuyến, nâng cao độ chính xác an toàn bay và góp phần hỗ trợ việc lập kế hoạch hiệu quả hơn cho cả cơ quan cung cấp dịch vụ không lưu lẫn nhà khai thác. Năm 2016, Tổng công ty đã thành lập Trung tâm Quản lý luồng không lưu nhằm điều phối các luồng hoạt động bay không vượt quá khả năng tiếp thu của sân bay và năng lực của vùng trời, sử dụng một cách tối ưu các năng lực hiện có của hệ thống hạ tầng hàng không, góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính bền vững của một hệ thống quản lý không lưu tại Việt Nam. Từ năm 2018, Tổng công ty thực hiện áp dụng giảm phân cách tối thiểu giữa các tàu bay nhằm tăng năng lực tiếp thu, giảm ách tắc trong vùng trời sân bay có mật độ bay cao. Năm 2021, Tổng công ty triển khai hệ thống AMAN/DMAN: Điều hành và quản lý các chuyến bay đến và các chuyến bay khởi hành là nhiệm vụ cần thiết để sắp xếp luồng không lưu, nhằm nâng cao năng lực tiếp thu của sân bay, đảm bảo an toàn, điều hòa và mang lại hiệu quả cao nhất cho tất cả các hoạt động bay tại Cảng Hàng không. 

30 năm qua, bằng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, bằng ý chí quyết tâm, tập thể cán bộ, nhân viên Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã bảo đảm điều hành bay tuyệt đối an toàn cho hơn 11 triệu chuyến bay trong vùng trời trách nhiệm. Liên tục trong nhiều năm, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là đơn vị dẫn đầu ngành Hàng không về năng suất, chất lượng và hiệu quả: Tổng thu điều hành bay ước đạt gần 65 nghìn tỷ đồng, nộp NSNN đạt trên 32 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh nhiệm vụ đảm bảo an toàn bay, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã phối hợp hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội và các cơ quan quản lý không lưu của các nước trong khu vực, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các hoạt động bay không đúng theo kế hoạch hoặc vi phạm quy chế bay, giữ vững an ninh vùng trời Tổ quốc. 

Kíp trực điều hành bay tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài

Đi đầu trong ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo 

Trong nhiều năm qua, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam luôn được xem là một trong số các đơn vị đi đầu của ngành Hàng không Việt Nam trong việc đầu tư, đổi mới công nghệ, cải tiến và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, làm thay đổi cơ bản công nghệ quản lý điều hành bay và đáp ứng yêu cầu của các hãng hàng không trong nước và quốc tế. Đến nay, Tổng công ty đã đầu tư được 02 Trung tâm Kiểm soát đường dài, 04 cơ sở kiểm soát tiếp cận, 22 Đài kiểm soát tại sân, cùng với đó Tổng công ty đã triển khai đầu tư xây mới trụ sở làm việc tại miền Trung năm 1996, miền Nam năm 2006, trụ sở làm việc của Khối Cơ quan năm 2005 và cơ sở làm việc của các đơn vị thuộc khu vực Long Biên năm 2013. Tại các cảng Hàng không trên toàn quốc, đã đầu tư xây mới, nâng cấp đồng bộ các Đài kiểm soát không lưu, nhiều công trình quy mô lớn, thiết kế phức tạp, yêu cầu kỹ thuật công nghệ cao như đài Kiểm soát không lưu Nội Bài, Tân Sơn Nhất. 

Năm 2006, Trung tâm kiểm soát không lưu HCM khánh thành. Đây là một dự án có quy mô hiện đại nhất trong khu vực Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư gần 500 tỷ đồng, đánh dấu một thành công lớn của Tổng công ty trong công tác đầu tư đổi mới công nghệ điều hành bay. Năm 2015 khánh thành Trung tâm kiểm soát không lưu Hà Nội (ATCC Hà Nội), được đánh giá là công trình quy mô lớn, công năng hiện đại. Trung tâm ATCC Hà Nội bao gồm tổ hợp dây chuyền hoạt động mang tính liên hoàn, lần đầu tiên được trang bị đồng bộ 5 dịch vụ (kỹ thuật, không lưu, không báo, tìm kiếm cứu nạn, khí tượng và cơ sở phối hợp hiệp đồng với quân sự), đảm bảo cung cấp phương tiện giám sát mới điều hành hoạt động bay dân dụng và hoạt động hàng không, bao gồm cả các hoạt động bay tầm thấp trong vùng thông báo bay Hà Nội và vùng trách nhiệm bảo đảm hoạt động bay được giao thêm. 

Trung tâm ATCC Hà Nội được đầu tư với phương châm đi trước đón đầu nên hệ thống được thiết kế các cổng kết nối chuẩn sử dụng cho các dịch vụ Thông tin - Dẫn đường - Giám sát trong tương lai tích hợp dễ dàng vào hệ thống, đảm bảo phù hợp lộ trình “nâng cấp các khối hệ thống hàng không” (ASBU) theo tiêu chuẩn ICAO. Với hệ thống ATM mới, hiện tại các cơ sở điều hành bay ATCC Hà Nội, Trung tâm Kiểm soát tiếp cận - tại sân Nội Bài và Đài Kiểm soát không lưu Cát Bi đang thực hiện triển khai công tác Hiệp đồng chuyển giao tàu bay bằng tín hiệu điện tử, tiến tới sử dụng hoàn toàn bằng điện tử, không sử dụng Băng phi diễn giấy như hiện tại, sẽ là một bước tiến lớn trong khai thác công nghệ mới. 

 Kíp trực điều hành bay tại Đài Kiểm soát không lưu Tân Sơn Nhất

Trung tâm ATCC Hà Nội cùng với Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh) sẽ là các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu quan trọng, tạo ra một hạ tầng cơ sở không lưu đồng bộ của Việt Nam, có công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại. Việc đầu tư như vậy đảm bảo cung cấp và quản lý dịch vụ không lưu hiệu quả hơn như: tổ chức quản lý luồng không lưu (ATFM), áp dụng các công nghệ mới quản lý luồng tiếp cận quản lý tầu bay đi/ đến (AMAN/DMAN) đã đồng bộ trong hệ thống quản lý không lưu (ATM), tăng năng lực điều hành bay trên toàn hệ thống lên hơn 1,5 lần; tăng năng lực điều hành bay thực tế của từng phân khu hơn 30% so với mật độ bay vào giờ cao điểm.

Ngày 29/9/2022, Tổng công ty chính thức khởi công Dự án thành phần 2 “Các công trình phục vụ quản lý bay” thuộc dự án “Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1” do Tổng công ty làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng. Trong đó, công trình chính là Đài Kiểm soát không lưu và các hạng mục công trình phụ trợ có diện tích là 24.000 m2 được xây dựng để kiểm soát hoạt động tại khu vực di chuyển của tàu bay tại Cảng hàng không và hoạt động bay trong vùng trời Cảng hàng không...

 Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp các cơ sở điều hành bay, Tổng công ty đã đầu tư mua sắm các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng kỹ thuật số, thông tin vệ tinh để nâng cao chất lượng dịch vụ thông tin, dẫn đường, giám sát. 

Phối cảnh Đài Kiểm soát không lưu Long Thành

Về dẫn đường, giám sát, Tổng công ty hiện đã đầu tư lắp đặt 25 đài dẫn đường gồm: 03 đài NDB; 23 đài DVOR/DME đặt tại các tỉnh thành trong cả nước. Trong đó, đài dẫn đường Pleiku là công trình được Bộ Giao thông vận tải gắn biển “Công trình chào mừng chào mừng Đại hội Đảng lần XI”. Từ năm 1995, Tổng công ty đã chính thức áp dụng phương thức kiểm soát rađa thuộc FIR Hà Nội và FIR Hồ Chí Minh, toàn bộ vùng trời trong phạm vi trách nhiệm của Việt Nam đã được bao phủ bởi 05 hệ thống rada sơ cấp và 08 hệ thống rada thứ cấp, đưa phương thức quản lý bay, quản lý vùng trời từ nghe - nói sang nghe - nói - giám sát, đã nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ điều hành bay của Việt Nam. Năm 1999, VATM đầu tư mới hệ thống xử lý dữ liệu rađa và xử lý dữ liệu bay cho ACC/HCM, hoàn thành dự án Mạng giám sát vùng thông báo bay Hà Nội. 

Theo kế hoạch phát triển hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát và quản lý không lưu của Tổng công, các ứng dụng liên lạc dữ liệu bằng vệ tinh sẽ được dần thay thế cho liên lạc thoại VHF, HF; tiến tới áp dụng phương thức dẫn đường dựa vào đặc tính và hệ thống tăng cường độ chính xác đặt trên mặt đất. Năm 2013, VATM triển khai lắp đặt 03 trạm Giám sát tự động phụ thuộc dạng quảng bá (ADS-B) tại Côn Đảo, Song Tử Tây, Trường Sa Lớn. Theo lộ trình sẽ tiếp tục triển khai áp dụng công nghệ giám sát ADS-B trên toàn vùng thông báo bay của Việt Nam. Đến nay, để phục vụ liện lạc thoại giữa KSVKL và người lái, Tổng công ty đã đầu tư lắp đặt các trạm VHF liên lạc đất đối không tầm xa; đã có 22 trạm VHF tại sân; 04 trạm VHF điều hành tiếp cận tại các cảng HK quốc tế Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh; 12 trạm VHF điều hành bay đường dài; đầu tư mạng viễn thông cố định hàng không (AFTN) với 4 Trung tâm chuyển điện văn tự động (AMSS); lắp đặt 24 trạm liên lạc qua mạng Vệ tinh VSAT phục vụ thông tin liên lạc trong nước và quốc tế.

Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội

 Năm 2022, Tổng công ty phối hợp với Công ty Japan Radio Ltd., (Nhật Bản) hoàn thành lắp đặt, đưa vào khai thác hệ thống giám sát đa điểm (MLAT) tại sân bay Phú Quốc. Đây là công nghệ giám sát tiên tiến trong lĩnh vực hàng không, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam theo khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Hệ thống MLAT cho phép giám sát tàu bay di chuyển trên bề mặt sân bay, trong vùng trời trách nhiệm của Đài KSKL Phú Quốc nâng cao năng lực điều hành bay tại Cảng HKQT Phú Quốc. 

Tổng công ty đã từng bước làm chủ công nghệ tiên tiến trong sản xuất, thi công lắp đặt các trang thiết bị chuyên ngành lĩnh vực CNS từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, hướng tới xuất khẩu và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay đã ký thỏa thuận hợp tác với Hãng Selex - Mỹ thành lập Trung tâm dịch vụ kỹ thuật khu vực RSC để cung cấp dịch vụ cho Hãng Selex bao gồm các dịch vụ: khảo sát, thi công lắp đặt, thông điện và bay kiểm tra hiệu chuẩn các thiết bị chuyên ngành trong lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay như: VOR/DME, ILS,… Đội ngũ chuyên gia của Công ty đã làm chủ được công nghệ đối với hệ thống thiết bị trên và phát triển thêm đối với các sản phẩm chuyên ngành khác như ADS-B, VHF,… 

 Lễ bàn giao hệ thống MLAT lắp đặt tại Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc giữa Công ty Japan Radio Co Ltd và VATM ngày 8.6.2022

Tổng công ty đã nghiên cứu thành công các sản phẩm phục vụ công tác đảm bảo hoạt động bay và các sản phẩm công nghiệp hàng không, đảm bảo chủ động công nghệ, giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa, thiết bị nhập khẩu. Trong chương trình phát triển công nghiệp hàng không, Tổng công ty đã sản xuất được những sản phẩm đặc thù của ngành được Cục Hàng không Việt Nam cấp Giấy chứng nhận sản phẩm đủ điều kiện kỹ thuật đưa vào khai thác trong ngành Hàng không dân dụng và chuyển giao sản xuất để cung cấp cho khách hàng đem lại doanh thu, tiêu biểu như: hệ thống đèn hiệu sân bay, thiết bị ghi âm chuyên dụng, đồng hồ thời gian chuẩn, Shelter, giàn phản xạ DVOR/DME, bộ khuếch đại tạp âm thấp tần số 1090MHz (LNA), bộ nguồn hiệu suất cao, phần mềm AMHS cơ bản, phiên bản nâng cấp phần mềm UA, thiết bị ghi thoại và dữ liệu, bàn console, máy ghi âm chuyên dụng hàng không, hệ thống đồng hồ thời gian chuẩn, biển báo có chiếu sáng công nghệ LED, hệ thống cột an toàn, cột Glide Path, biển báo đóng cửa đường cất hạ cánh tạm thời, hệ thống Băng phi diễn điện tử… Các sản phẩm của Tổng công ty sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu lắp đặt, thay thế trang thiết bị tại các sở điều hành bay trong nước và phục vụ nhu cầu xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới đều đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, bao gồm tiêu chuẩn ICAO, đạt hiệu quả kinh tế kỹ thuật, được khách hàng đánh giá cao. Bên cạnh đó, Tổng công ty tự thực hiện dịch vụ bay kiểm tra hiệu chuẩn thiết bị giám sát dẫn đường hàng không.

Trong việc hợp tác và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực KH&CN, Tổng công ty đã đẩy mạnh, tăng cường hợp tác trong hoạt động khoa học và công nghệ, xây dựng cơ chế và triển khai các hợp đồng hợp tác với các tổ chức, các nhà hoạt động khoa học và công nghệ có năng lực như: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, các chuyên gia của Cục Hàng không Việt Nam, Hãng Selex- Mỹ…

Với tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đội ngũ kỹ thuật, kiểm soát viên không lưu đã tiếp cận nhanh chóng làm chủ công nghệ kiểm soát tiên tiến hiện đại. Các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay do Tổng công ty cung cấp hoàn toàn đáp ứng và thỏa mãn các hoạt động bay trong nước và quốc tế. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung phấn đấu vì một Quản lý bay Việt Nam trở thành Nhà cung cấp các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay hàng đầu khu vực.

Theo VATM