Triển khai Quy hoạch hệ thống cảng hàng không tầm nhìn 2050

Triển khai Quy hoạch hệ thống cảng hàng không tầm nhìn 2050

11:51 - 17/07/2024

Kế hoạch thực hiện nhấn mạnh việc ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng cảng hàng không, mở rộng cảng có trọng tâm, tập trung dự án có tính lan tỏa lớn.

Sân bay Vân Đồn có gió giật cấp 12 do bão Yagi
Ông Lại Xuân Thanh thôi làm Chủ tịch ACV
Lợi nhuận công ty kiểm soát không lưu tăng mạnh
Nâng cấp đường cất cánh sân bay Côn Đảo để đón được A320, B737
Giá vé máy bay cuối hè giảm mạnh

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 16/7 ký Quyết định số 655/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức và hành động trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (Quy hoạch hệ thống cảng hàng không).

Kế hoạch xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương thức, danh mục các dự án, nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 phù hợp với điều kiện của các bộ, ngành, địa phương.

Dự kiến, năm 2030, cả nước có 28 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế, 14 cảng hàng không nội địa. Ảnh minh họa: Khánh Huyền

Nhiệm vụ của các bộ, ban, ngành và địa phương trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống cảng hàng không cũng được kế hoạch nêu rõ.

Các nhiệm vụ chủ yếu gồm: Thực hiện quy định của pháp luật về quy hoạch, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hàng không dân dụng, lập quy hoạch các cảng hàng không, ưu tiên đầu tư phát triển.

Cụ thể, để thực hiện quy hoạch cần triển khai tổ chức công bố, tuyên truyền phổ biến nội dung quy hoạch, cung cấp thông tin về quy hoạch đến các tổ chức, cá nhân để tham gia giám sát việc thực hiện quy hoạch, tham gia phát triển hệ thống cảng hàng không theo quy hoạch được phê duyệt.

Bên cạnh đó là việc rà soát, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngành hàng không dân dụng để phù hợp với điều kiện thực tiễn và các quy định. Xây dựng, hoàn thiện đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không nhằm hoàn thiện các giải pháp, xây dựng cơ chế chính sách cụ thể để tạo hành lang pháp lý đầy đủ làm cơ sở triển khai huy động các nguồn lực ngoài nhà nước.

Tổ chức lập, phê duyệt quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với các quy hoạch cấp cao hơn và các quy hoạch liên quan, bảo đảm hiệu quả thực hiện quy hoạch.

Đồng thời, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng cảng hàng không: Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, cải tạo, mở rộng các cảng hàng không một cách có trọng tâm, trọng điểm; tập trung các dự án có tính lan tỏa lớn và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị an ninh hàng không.

Cùng với đó kế hoạch nhấn mạnh việc đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, trang thiết bị bảo đảm hoạt động bay tại tất cả các cảng hàng không đáp ứng yêu cầu bảo đảm hoạt động bay an toàn với tầm nhìn dài hạn, hiệu quả gắn với nhiệm vụ tham gia đảm bảo an ninh, chủ quyền vùng trời và tuân thủ các yêu cầu, tiêu chuẩn của ICAO. Từng bước đầu tư các trung tâm logistics, trung tâm đào tạo, huấn luyện bay, bảo dưỡng sửa chữa máy bay...