THÁCH THỨC, CƠ HỘI CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG VIỆT NAM SAU ĐẠI DỊCH COVID 19 VÀ GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG

THÁCH THỨC, CƠ HỘI CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG VIỆT NAM SAU ĐẠI DỊCH COVID 19 VÀ GIẢI PHÁP THÍCH ỨNG

09:48 - 25/05/2022

Dịch bệnh Covid 19 đã gây ra những xáo trộn đáng kể đối với thị trường và cơ hội phát triển của ngành hàng không.

Vietjet bay chuyến đầu tiên có sử dụng nhiên liệu bền vững SAF
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026

Tác động của dịch bệnh Covid 19 tới ngành hàng không Việt Nam

Hàng không Việt Nam đã tạo ra và duy trì được sự phát triển khá nhanh trong 2 thập kỷ vừa qua, có năm tốc độ tăng trưởng luân chuyển hàng hóa hoặc hành khách đạt tới 40% (xem hình 1). Tuy nhiên, tỷ trọng của ngành hàng không trong tổng luân chuyển hàng hóa và hành khách của cả nước còn thấp. Đối với vận chuyển hàng hóa, do hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không có giá trị cao nên tỷ trọng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tính theo khối lượng thì thấp (năm 2019 chỉ đạt 0,239%) nhưng tính theo giá trị thì lại khá cao (năm 2019 đạt khoảng 34%).

Hình 1: Tăng trưởng tổng luân chuyển hàng hóa, hành khách toàn quốc và của riêng ngành hàng không Việt Nam (đơn vị tính: %)

Dịch bệnh Covid 19 đã cắt đứt đà phát triển của ngành hàng không Việt Nam, có lúc làm cho hoạt động bình thường của ngành gần như ngừng trệ hoàn toàn. Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trước khi đại dịch bùng phát ở Việt Nam, số chuyến bay của các hãng hàng không Việt Nam đã lên tới trên 34.569 chuyến (tháng 01/ 2020), nhưng ngay sau khi dịch bùng phát (đợt 1), số chuyến bay giảm đi chỉ còn 4.964 chuyến (tháng 4/ 2020)- giảm hơn 85% trong vòng chỉ 2 tháng. Năm 2021, vào thời điểm hoạt động bay giảm xuống mức thấp nhất (tháng 9/ 2021), các hãng hàng không Việt Nam chỉ còn bay 1.311 chuyến, chỉ bằng khoảng 4,5% số chuyến mà các hãng đã khai thác vào cùng thời gian trước khi dịch bệnh bùng phát (tháng 9/ 2019), chưa bằng 4% so với số chuyến bay cao nhất trong một tháng từng đạt trước đó (tháng 1/ 2020). Số liệu thống kê cũng cho thấy rằng về mặt thời gian số lượng các chuyến bay giảm mạnh tương ứng với các đợt bùng phát dịch bệnh ở Việt Nam và các giải pháp ứng phó của Nhà nước (xem hình 2).

Hình 2: Số chuyến bay hàng tháng của các hãng hàng không Việt Nam trong giai đoạn 2019- 2022.

Tình hình trên đã có những tác động bất lợi rất lớn và nghiêm trọng tới hoạt động cũng như sự phát triển của các doanh nghiệp ngành hàng không Việt Nam, đặc biệt là:

  • Thị trường hàng không, đặc biệt là dịch vụ vận chuyển hành khách, giảm sút mạnh mẽ, có những thay đổi quan trọng về cấu trúc và nhu cầu theo hướng đa dạng hóa và đòi hỏi ngày càng cao, quy mô thị trường chậm phục hồi và chịu tác động bất lợi từ nhiều nhân tố mà ngành hàng không không thể kiểm soát được, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi đáng kể phương thức hoạt động.
  • Dòng tiền mất cân đối nặng nề, khiến tính thanh khoản của các doanh nghiệp giảm nhanh và sâu, vừa ảnh hưởng trực tiếp, ngắn hạn tới hoạt động của doanh nghiệp, vừa tác động bất lợi lâu dài tới khả năng phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp. Hàng không là ngành kinh tế- kỹ thuật có độ tương tác cao nên khó khăn của các doanh nghiệp tác động dây chuyến tới nhau
  • Lao động mất hoặc giảm việc làm, vừa ảnh hưởng tới đời sống của người lao động trong ngành, vừa khiến các doanh nghiệp mất một lượng đáng kể lao động, đặc biệt là lao động có trình độ cao. Tình trạng này còn tạo sức ép cho các doanh nghiệp và một bộ phận lao động kỹ thuật có trình độ cao phải tăng cường tập huấn, củng cố kỹ năng để có thể đáp ứng được những yêu cầu nghiệm ngặt của ngành.
  • Dịch bệnh làm nảy sinh những yêu cầu mới, đặc biệt là những yêu cầu về vệ sinh phòng dịch, vừa ảnh hưởng bất lợi tới nhu cầu và tâm lý khách hàng, vừa làm phát sinh thủ tục, làm tăng chi phí về thời gian và tài chính của khách hàng cũng như của các doanh nghiệp ngành hàng không. Việc ngừng bay đột ngột khi dịch bệnh bùng phát bất thường tạo ra những bức xúc ảnh hưởng tới tâm lý của cả khách bay lẫn các doanh nghiệp ngành hàng không.
  • Cơ sở vật chất- kỹ thuật của ngành giảm hoặc xuống cấp. Chưa kể nhiều hãng hàng không phải bán bớt tàu bay để cân đối dòng tiền, việc dừng không bay cũng đòi hỏi phải bảo dưỡng, bảo trì máy bay và các thiết bị bay, thiết bị quản lý bay, trang thiết phục vụ bay, sân bay/ cảng hàng không và các công trình xây dựng hàng không, … cũng đòi hỏi phải có chi phí lớn mới có thể đảm bảo chúng ở trạng thái kỹ thuật cần thiết để có thể hoạt động an toàn khi được khai thác trở lại. Nhiệm vụ này trở nên khó khăn hơn khi hoạt động của ngành bị đình trệ, không có doanh thu, không có kinh phí để trang trải cho các khoản chi này.

Triển vọng của ngành hàng không Việt Nam trong những năm tới

Nếu không có dịch bệnh Covid 19, tác động của các nhân tố ảnh hưởng tới sự phát triển của ngành hàng không đã có xu hướng được cải thiện trong giai đoạn 2015- 2020 (xem hình 3).

Hình 3: Thay đổi của các nhân tố tác động tới sự hát triển của ngành hàng không Việt Nam

Dịch bệnh Covid 19 đã gây ra những xáo trộn đáng kể đối với thị trường và cơ hội phát triển của ngành hàng không. Tác động của những nhân tố trên có thể có những thay đổi cần đánh giá lại để nhận dạng chính xác hơn. Dưới tác động của dịch bệnh, trong khoảng 5 năm tới, sự phục hồi và sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam chịu thêm tác động của những nhân tố chủ yếu sau đây:

- Diễn biến của dịch bệnh Covid và mức độ kiểm soát dịch bệnh. Hai yếu tố chi phối yếu tố này là khả năng tái bùng phát dịch bệnh (đặc biệt là sự xuất hiện các biến chủng mới của virus) và phương thức kiểm soát dịch bệnh. Việt Nam đã chuyển từ phương thức phòng ngừa (zero covid) sang chiến lược thích ứng và đã đạt tỷ lệ tiêm chủng cao, hứa hẹn có thể cải thiện đáng kể khả năng kiểm soát dịch bệnh. Theo số liệu của Bộ Y tế, tới ngày 06/3/2022, Việt Nam đã tiêm chủng hơn 197,5 triệu liều, trong đó người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2: 98,7% và mũi 3: 38,4%; trẻ em trong độ tuổi 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 99%, mũi 2 là 93,8%; tính đến hết ngày 16-5, Việt Nam đã tiêm hơn 217 triệu liều vaccine phòng Covid-19 cho những người từ 18 tuổi trở lên (sẽ hoàn thành tiêm mũi 3 cho đối tượng này trong quý II/ 2022) và đã triển khai tiêm phòng cho trẻ em từ 5- 12 tuổi. Đặc biệt, qua lưu lượng hành khách vào cuối năm 2021 cũng như các đợt nghỉ lễ đầu năm 2022, có thể thấy rằng dư chấn tâm lý tiêu cực từ dịch bệnh sau đợt dãn cách dài ngày vào cuối năm 2021 có vẻ không nghiêm trọng, do đó ít tác động tiêu cực tới vận tải hành khách bằng đường hàng không ở Việt Nam .

- Sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu và trong nước, đặc biệt là sự phát triển của ngành du lịch. Về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, gần đây nhất (tháng 3- 4/ 3022), Ngân hàng thế giới (WB) dự báo sẽ đạt 5,3%, HSBC dự báo 6,2%, ADB cho rằng có thể đạt tới 6,5%, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 6,0- 6,5%. Từ 2023 trở đi, nhiều dự báo cho rằng tốc độ tăng trưởng có thể ổn định quanh mức 6,5%/ năm. Trên phạm vi toàn cầu, sau những điều chỉnh cuối táng 3/ 2022, các chỉ số tăng trưởng kinh tế cũng dao động từ 3,2% (WB) tới 3,5% (Fitch Ratinng) hoặc 3,6% (IMF). Năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng dao động trong khoảng từ 3,2% (WB), 3,4% (theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Reuter) tới 3,8% (IMF). Các chuyên gia của Statistica dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong các năm 2023, 2024, 2025 và 2026 lần lượt là 3,62; 3,37; 3,3 và 3,28%. Với sự phát triển kinh tế như trên, có thể dự báo sự phát triển của ngành du lịch sẽ có sự tăng trưởng ổn định và nhu cầu vận chuyển hành khách đường hàng không quốc tế sẽ tăng ổn định trở lại. IATA cho rằng lượng hành khách năm 2022 sẽ đạt mức 83% so với năm 2019 và các năm sau (2023, 2024 và 2025) sẽ lần lượt đạt mức 94%, 103% và 111%. Các chỉ số tương ứng cho vận chuyển hành khách quốc tế lần lượt là 69%; 82%; 92% và 101%. Mức độ tăng ở mỗi khu vực sẽ khác nhau, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh thực tế và chính sách kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ ở các khu vực. Tuy ngành hàng không khu vực châu Á được dự đoán là tăng trưởng chậm hơn các khu vực khác nhưng với kết quả và chính sách kiểm soát dịch bệnh cũng như chính sách mở cửa cho du lịch hiện nay, Việt Nam có thể có được tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân toàn cầu.

TS. Bùi Doãn Nề - PCT Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam

- Năng lực và thực tế tái cấu trúc của các doanh nghiệp ngành hàng không. Trong các năm 2020- 2021, doanh thu của các doanh nghiệp hàng không về cơ bản là giảm sút, một số hãng hàng không thậm chí còn phải bán bớt máy bay, hầu hết các doanh nghiệp phải giảm quy mô hoạt động. Trong bối cảnh đó, năng lực hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành có giảm sút và có gặp khó khăn khi phục hồi trở lại. Ở những mức độ khác nhau, các doanh nghiệp hàng không đã có tiến hành tái cấu trúc, đặc biệt là đã theo dõi chặt chẽ xu hướng tiêu dùng, từ đó chú trọng hơn tới việc đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, mức độ tái cấu trúc cũng như đa dạng hóa sản phẩm của các doanh nghiệp hàng không Việt Nam còn phải được cải thiện hơn nữa.

- Mức độ hội nhập của ngành hàng không ở khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Hàng không là ngành có mức độ hội nhập cao. Cho tới trước đại dịch, có tới hơn 20 hãng hàng không quốc tế tham gia thị trường hàng không Việt Nam, cùng khai thác các đường bay tới 28 quốc gia/ vùng lãnh thổ. Từ đầu năm 2022, Việt Nam đã đàm phán với các nước/ vùng lãnh thổ để mở lại đường bay hai chiều, đồng thời công nhận “hộ chiếu vắcxin” của nhau. Tới nay, ngoài EU (với 27 nước), có 20 nước khác đã công nhận “hộ chiếu vắcxin” của Việt Nam. Trong thời gian còn phải dãn cách do dịch bệnh, các hãng hàng không và các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã làm thủ tục để mở đường bay thẳng tới một số quốc gia có tiềm năng lớn cho hàng không Việt Nam. Trước Covid 19, các đường bay quốc tế có vai trò đối với hoạt động và hiệu quả kinh doanh của các hãng hàng không Việt Nam, đặc biệt là trong vận chuyển hành khách.

- Tác động tổng hợp từ các chính sách của Nhà nước. Cũng như nhiều nước, Việt Nam đã có sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành hàng không dưới nhiều hình thức. Những biện pháp hỗ trợ này được thực hiện qua nhiều chương trình, nhiều “gói hỗ trợ” khác nhau. Trên thực tế, những hình thức hỗ trợ này chưa được liên kết với nhau để tạo ra một hiệu ứng tổng hợp chung cho toàn ngành, thậm chí cho từng nhóm doanh nghiệp. Chính vì thế, chúng chưa đem lại tác động tổng hợp như mong muốn. Bài học này có thể và cần được xem xét để rút kinh nghiệm cho cả hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Khả năng phục hồi của ngành hàng không đang là chủ đề được nhiều tổ chức quốc tế, nhiều quốc gia quan tâm. Hiện cũng có những dự báo khác nhau về tái cấu trúc và phục hồi ngành hàng không ở các nước:

- IATA (tháng 3/2022) cho rằng: năm 2022 tổng thị trường có thể đạt 83% quy mô từng đạt tới trước dịch (năm 2019), trong đó nhu cầu thị trường quốc tế chỉ đạt 69% so với năm 2019; khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ hồi phục chậm so với các khu vực khác (đạt khoảng 68% quy mô năm 2019), châu Mỹ và châu Âu phục hồi khoảng 86-94%.

- ICAO dự báo vận chuyển hành khách của ngành hàng không năm 2022 đạt mức 74%-77% so với năm 2019, trong đó vận chuyển hành khách quốc tế đạt 58%-61%, vận chuyển hành khách nội địa đạt 86%- 88%. Khu vực châu Á- Thái Bình dương cũng được cho rằng phục hồi chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới.

- JADC (Nhật Bản) dự báo thị trường hàng không cần 2-3 năm để phục hồi, phụ thuộc sự mở cửa của các quốc gia, tiến độ tiêm vắc xin, miễn dịch cộng đồng.

- Boeing (Mỹ) dự báo các đường bay nội địa sẽ hồi phục trước, sau đó là các đường bay trong khu vực và cuối cùng là các đường bay dài hồi phục vào năm 2023-2024 theo từng bước dựa trên việc dỡ bỏ hạn chế đi lại, kiểm soát dịch bệnh và mở cửa của các quốc gia.

- Airbus (Pháp) cho rằng ngành hàng không có thể hồi phục ở những mức độ khác nhau, tùy thuộc nhiều nhân tố, có thể đạt mức trước khi dịch bệnh bùng phát ngay từ cuối 2022 (nếu thuận lợi) hoặc đến tận cuối năm 2024 nếu dịch bệnh không được kiểm soát và bối cảnh kinh tế- chính trị- xã hội không thuận lợi.

- Singapore Airlines cho rằng sự phục hồi của hàng không phụ thuộc chủ yếu vào vận chuyển quốc tế và lượng khách quốc tế chỉ có thể đạt mức cao điểm trước dịch (năm 2019) vào năm 2026.

Ở Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, thị trường nội địa đã gần đạt mức cao điểm trước dịch, tới cuối năm có thể tăng 1-2% so với năm 2019; thị trường quốc tế chỉ đạt gần 7% cùng kỳ năm 2019 và cả năm 2022 có thể đạt khoảng 1/3 so với năm 2019.

Từ những phân tích trên, có thể dự kiến một số kịch bản phát triển của ngành hàng không Việt Nam như được trình bày trong bảng 1.

Bảng 1: Các kịch bản phát triển của ngành hàng không Việt Nam

Những khó khăn và thách thức đối với ngành hàng không Việt Nam trong giai đoạn tới

Trong giai đoạn 2022- 2025, ngành hàng không có thể sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chủ yếu sau:

- Những biến đổi của thị trường và nhu cầu của khách hàng. Dưới tác động của nhiều nhân tố (gia tăng mức độ đô thị hóa, sự phát triển của tầng lớp trung lưu và thu nhập bình quân, tính linh hoạt và sự kết nối trong đời sống của con người, tiến bộ khoa học- công nghệ và việc ứng dụng chúng ngày càng rộng rãi trong sản xuất và đời sống…) làm nhu cầu sử dụng các dịch vụ của ngành hàng không tăng lên và dịch vụ của chúng trở lên đa dạng hơn, làm cấu trúc thị trường dịch vụ hàng không theo lãnh thổ thay đổi theo hướng mở rộng hơn.

- Hậu quả và di chứng do dịch bệnh và chính sách thích ứng với dịch bệnh để lại cho thị trường và cho chính các doanh nghiệp hàng không Việt Nam. Một số hậu quả/ di chứng từ dịch bệnh và tác động bất lợi của chúng đối với ngành hàng không Viêt Nam là:

  • Sự suy giảm nhu cầu do suy thoái kinh tế sau đại dịch. Tuy phần lớn các dự báo của các tổ chức quốc tế đều nghiêng và quan điểm cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ có sự tăng trưởng trở lại, nhưng tình hình lạm phát ở quy mô rộng trên toàn cầu hiện nay tác động rất bất lợi tới nhu cầu đi lại của người dân, sẽ làm giảm đáng kể cầu đi lại bằng đường hàng không.
  • Việc kiểm soát vệ sinh dịch tễ và những thủ tục kiểm tra dịch tễ đã được triển khai trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát sẽ tiếp tục được thực hiện trong một thời gian nữa, sẽ làm giảm lượng hành khách đi lại bằng đường hàng không ở một mức độ đáng kể.
  • Sự đứt gãy các chuỗi cung ứng trong ngành hàng không khiến việc cung câp nhiều phụ tùng, thiết bị không được đảm bảo. Nhiều doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là các hãng hàng không, bị phá sản hoặc ngừng hoạt động trong đại dịch chưa thể sớm phục hồi khi dịch bệnh giảm nhẹ hoặc được kiểm soát.
  • Tình trạng thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và chuyên môn, nghiệp vụ còn kéo dài do một bộ phận trong nhóm đối tượng này đã bị mất việc toàn bộ hoặc toàn phần trong thời gian dịch bệnh chưa thể quay trở lại làm việc ngay. Bất cập này sẽ ít nghiêm trọng hơn nếu hoạt động của ngành hàng không phục hồi dần dần, nhưng sẽ có tác động rất lớn nếu sự phục hồi này diễn ra nhanh chóng

- Tác động từ sự tranh chấp và xung đột quốc tế. Hai tác động trực tiếp từ những tranh chấp, xung đột này tới ngành hàng không là giá nhiên liệu tăng lên rất cao và các hãng đi châu Âu phải tránh không phận một số nước có liên quan khiến chi phí vận chuyển tăng cao. Ngoài ra, do sự tranh chấp này mà lượng khách hàng từ khu vực Nga, châu Âu tới Việt Nam cũng giảm sút mạnh. Một tác động khác tuy không lớn bằng các tác động trê những cũng rất đáng kể là tình trạng cấm vận giữa các nước ảnh hưởng bất lợi tới các chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có các chuỗi cung ứng liên quan trực tiếp tới ngành hàng không, làm chúng chậm được khắc phục hoặc chỉ được khắc phục bằng những chuỗi cung ứng mới không hiệu quả, có chất lượng không cao bằng những chuỗi cung ứng truyền thống trước đây.

- Sự gia tăng cạnh tranh trên thị trường. Trong thời gian tới, không những Việt Nam sẽ có những doanh nghiệp hàng không mới, mà còn có thêm những doanh nghiệp hàng không của nhiều quốc gia nữa cũng sẽ triển khai các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Phần nhiều các doanh nghiệp này có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp hàng không Việt Nam: có năng lực tài chính, kỹ thuật và nhân lực tốt hơn các doanh nghiệp Việt Nam, có mạng lưới hợp tác rộng rãi hơn các doanh nghiệp hàng không Việt Nam, có dịch vụ đa dạng hơn, có nguồn khách dồi dào hơn các doanh nghiệp hàng không Việt Nam. Một số doanh nghiệp cạnh tranh với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam có thể còn được sự hỗ trợ lớn hơn từ phía nhà nước của họ khi tham gia thị trường Việt Nam. Ngoài ra, một số doanh nghiệp nước ngoài đã thiết lập được quan hệ bền vững với khách hàng, tạo được vị thế vượt trội, thậm chí có tính độc quyền trong một số lĩnh vực, đặc biệt là vận chuyển hàng hóa. Như vậy, sức ép cạnh tranh đối với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam không chỉ lớn hơn, từ nhiều phía hơn, mà còn đa dạng hơn, đòi hỏi các doanh nghiệp hàng không Việt Nam phải có những nỗ lực toàn diện để tạo ra năng lực cạnh tranh tổng hợp để duy trì và cải thiện vị thế của mình. Ngay giữa các hãng hàng không Việt Nam hiện cũng đang cạnh tranh với nhau một cách gay gắt, phải sử dụng cả những phương thức cạnh tranh bất thường khi ngay cả thị trường nội địa cũng chưa hoàn toàn phục hồi, năng lực vận chuyển chưa được khai thác hết. Tình trạng cạn kiệt nguồn lực tài chính khi đại dịch kết thúc càng làm cho khó khăn của các doanh nghiệp hàng không lớn hơn, khó tận dụng các cơ hội sẽ xuất hiện khi dịch bệnh kết thúc.

- Sự bất cập của cơ sở hạ tầng hàng không và cơ sở hạ tầng phục vụ, có liên quan tới ngành hàng không. Sự bất cập này đã được ghi nhận trước khi dịch bệnh bùng phát. Từ năm 2020, cả Nhà nước lẫn doanh nghiệp đã có những nỗ lực để khắc phục tình trạng này nhưng mức độ bất cập vẫn còn khá lớn. Biểu hiện rất rõ là sau khi Nhà nước dỡ bỏ dãn cách và các hãng hàng không khôi phục lại hoạt động, nhiều sân bay, cảng hàng không lại tái diễn tình trạng quá tải, kể cả những cảng hàng không lớn. Sự bất cập này không chỉ diễn ra đối với bản thân hệ thống cơ sở hạ tầng, mà cả trong công tác quản lý, điều hành hệ thống này cũng như sự kết nối chúng với hệ thống cơ sở hạ tầng quốc gia, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông vận tải.

- Sự bất cập của chính các doanh nghiệp hàng không Việt Nam trong việc đồng thời phải đáp ứng những yêu cầu về đầu tư phát triển và những yêu cầu về việc khắc phục những hậu quả do dịch bệnh Covid 19 để lại.

- Yêu cầu phục hồi hoạt động và khắc phục hậu quả của dịch bệnh, đặc biệt là sức ép từ việc đồng thời phải đáp ứng nhu cầu đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh với yêu cầu hoàn trả các khoản nợ/ lỗ phát sinh trong thời gian dịch bệnh bùng phát, hoạt động của các doanh nghiệp phải bị thu hẹp.

Những cơ hội cho ngành hàng không Việt Nam trong giai đoạn tới

Mặc dù hàng không Việt Nam có nhiều khó khăn và phải đối mặt với những thách thức lớn, nhưng vẫn có những cơ hội đáng kể để phục hồi và phát triển. Những cơ hội quan trọng nhất trong thời gian tới là:

- Trước hết, hàng không Việt Nam có thị trường nội địa có tiềm năng và có cơ hội khai thác những thị trường quốc tế có dung lượng lớn. Đặc biệt, sự phát triển liên tục (thậm chí với tốc độ cao hơn thế giới) của nền kinh tế Việt Nam, dân số đông và trẻ, thu nhập của người dân tăng lên, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, … là những nhân tố tạo ra cơ hội lớn từ thị trường nội địa cho ngành hàng không Việt Nam. Xu hướng bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không từ “du lịch phục thù” sau thời gian dãn cách do dịch bệnh có thể giúp các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đẩy mạnh hoạt động, từ đó nhanh chóng phục hồi và phát triển. Khi hàng không quốc tế chậm phục hồi, hàng không Việt Nam có cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm, giai đoạn “chạy đà” trở lại để mau chóng phục hồi các hoạt động trên thị trường quốc tế khi các dãn cách được xóa bỏ.

- Về cơ bản, dịch bệnh đã được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, các tác động tiêu cực của nó tới kinh tế toàn cầu nói chung, tới ngành hàng không nói riêng đang giảm đi và được khắc phục. Các dự báo đều nói về sự phục hồi và phát triển trở lại (chỉ khác nhau về mức độ và thời gian).

- Việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và sự mở rộng kinh tế số, diễn ra một cách nhanh chóng trên một số lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực thuộc ngành hàng không hoặc liên quan trực tiếp tới ngành hàng không tác động tích cực tới hoạt động của hàng không Việt Nam, đồng thời làm tăng cầu đối với dịch vụ của ngành hàng không Việt Nam.

- Hàng không Việt Nam bảo toàn được nhiều năng lực cơ bản, trong khi nhiều hãng hàng không khu vực và trên thế giới bị giải thể, cắt giảm quy mô hoặc chịu tác động trực tiếp bởi các cuộc xung đột ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới. Vị thế và năng lực của ngành hàng không Việt Nam đã được kiểm chứng và củng cố qua những nỗ lực của ngành khi thích ứng và vượt qua những thách thức trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ.

- Các hãng hàng không Việt Nam đã tạo và củng cố được vị thế, đã được thị trường trong nước, khu vực và quốc tế biết tới và thừa nhận. Hàng không giá rẻ của Việt Nam thậm chí còn được xếp thứ hạng cao trong khu vực.

- Nhà nước có những chính sách tích cực nhằm phát triển ngành hàng không ở Việt Nam, có những đầu tư và giải pháp phi tài chính quan trọng để phát triển ngành. Ngay trong giai đoạn dịch bệnh mới bùng phát, Nhà nước đã có những hỗ trợ thiết thực đối với các doanh nghiệp trong ngành. Tuy kết quả còn có những điểm chưa đạt kỳ vọng, nhưng việc Nhà nước tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, bình thường hóa đời sống kinh tế- xã hội đã thực sự tác động tích cực tới hoạt động của ngành hàng không Việt Nam.

Một số đề xuất về những giải pháp của Nhà nước đối với ngành hàng không Việt Nam trong giai đoạn tới

Để phục hồi, phát triển ngành hàng không và hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành có thể nhanh chóng phục hồi, phát triển, nâng cao năng lực và vị thế của mình ở trong nước, trong khu vực và trong phạm vi toàn cầu, trong thời gian tới, đề nghị Nhà nước triển khai một số giải pháp sau đây:

- Tiếp tục đầu tư xây dựng, mở rộng, đồng bộ hóa hệ thống cơ sở hạ tầng của ngành hàng không và hệ thống cơ sở hạ tầng có liên quan tới hoạt động của ngành hàng không Việt Nam. Mặt khác, Nhà nước cần có chính sách tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và các hình thức công- tư hỗn hợp để đa dạng hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và đẩy nhanh tốc độ nâng cấp, mở rộng hệ thống này theo yêu cầu của thị trường cũng như đổi mới và hoàn thiện công tác tổ chức, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả khai thác hệ thống này.

- Tiếp tục chuẩn bị và sớm triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn cho ngành hàng không mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều để các hãng hàng không Việt Nam có điều kiện thuận lợi trong thâm nhập và khai thác thị trường này. Trước mắt, Nhà nước cần tiếp tục đàm phán để mở rông phạm vi thừa nhận “hộ chiếu vắc xin” của Việt Nam, thỏa thuận các quy trình, thủ tục với hành khách bay đi và đến Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho khách bay. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần kịp thời bổ sung các biện pháp bảo vệ lợi ích của ngành hàng không trong nước, ngăn ngừa và chống lại các biện pháp cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp hàng không nước ngoài, tránh để họ lợi dụng lợi thế chèn ép các doanh nghiệp trong nước.

- Rà soát, đánh giá một cách toàn diện tác động từ các chính sách của Nhà nước đối với ngành hàng không Việt Nam và hoàn thiện hệ thống chính sách đó nhằm tối đa hóa tác động tổng hợp tích cực của chúng. Trước hết, cần hệ thống hóa hệ thống chính sách này và mối quan hệ giữa chúng để nhận dạng chúng một cách đầy đủ, toàn diện hơn (xem hình 4), từ đó xác định những điểm nghẽn trong hệ thống này để có kế hoạch khắc phục chúng một cách kịp thời nhất.

- Xây dựng và điều phối thực hiện chiến lược đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực cho ngành hàng không. Nhu cầu này xuất phát từ thực tế là 1) năng lực đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nhân lực hàng không của Việt Nam còn rất yếu, phần lớn các nghề gắn với kỹ thuật và công nghệ cao đều phải dựa vào nước ngoài; 2) năng lực đào tạo, bồi dưỡng nhân lực hàng không hiện rất phân tán, thiếu sự thừa nhận lẫn nhau giữa chính bản thân các doanh nghiệp trong ngành; 3) còn có những bất cập trong các quy định của Nhà nước nói chung, của các cơ quan quản lý ngành nói riêng về đào tạo và sử dụng nhân sự trong ngành và 4) thiếu một đầu mối có đủ uy tín và năng lực làm công tác quy hoạch, điều phối công tác đào tạo, phát triển nhân lực cho ngành hàng không. Ngoài ra, còn phải kể tới hai yếu tố khác chi phối việc đào tạo, phát triển nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam là lao động kỹ thuật của ngành bao gồm nhiều nghề có tính đặc thù cao nhưng số lượng cần đào tạo hàng năm ổn định nhưng lại tương đối ít và 2) đầu tư trang thiết bị cho công tác đào tạo nghề lớn, đặc biệt là với những nghề có tính đặc thù cao.

- Xây dựng, thực hiện chiến lược dài hạn tăng cường năng lực phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục nhanh tác động của dịch bệnh và ứng phó với các biến động trên phạm vi rộng có thể diễn ra trong tương lai. Trong những thập kỷ gần đây, dịch bệnh gần như xuất hiện theo chu kỳ khoảng 10 năm và có tác động bất lợi, nhưng ảnh hưởng tới những ngành khác nhau, ở mức độ khác nhau, xâm nhập từ nước ngoài và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cả ngắn hạn lẫn trung hạn. Năng lực y tế cơ sở và năng lực nghiên cứu, đánh giá nhanh tác động của chúng và hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc ứng phó với dịch bệnh và kiểm soát dịch, nhưng khắc phục hậu quả của chúng lại cần năng lực nội sinh quốc gia. Đây là những điểm cần đặc biệt cần chú ý khi xây dựng, thực hiện những chiến lược phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục nhanh tác động của dịch bệnh sau này.

- Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp hàng không có thể nhanh chóng khắc phục hậu quả do Covid để lại nhằm sớm phục hồi và phát triển. Thực tế là dịch bệnh Covid 19 diễn ra trong thời gian dài hơn các đợt dịch bệnh trước đây rất nhiều, để lại những hậu quả rất nghiêm trọng mà việc khắc phục chúng phải mất nhiều năm, đồng thời cũng gây ra những thay đổi mà ngành hàng không phải mất nhiều năm mới có thể thích ứng được. Bởi vậy, sự hỗ trợ của Nhà nước cần được duy trì tới khi thị trường hàng không phục hồi hoàn toàn. Đặc biệt, Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch và trực tiếp tổ chức các hoạt động quảng bá về Việt Nam để giúp ngành hàng không, du lịch thu hút thêm khách quốc tế, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư quốc tế đầu tư phất triển kinh tế nói chung, phát triển ngành hàng không Việt Nam nói riêng, đặc biệt là trong việc mở rộng chuỗi cung ứng của ngành. Trước mắt, cần hoàn thiện các thủ tục cấp, điều kiện và đối tượng miễn visa, các quy định về cư trú, kiểm soát dịch bệnh để thu hút khách du lịch quốc tế (đặc biệt là với những thị trường tiềm năng cho ngành du lịch Việt Nam) mạnh mẽ hơn, giúp các chuyến bay quốc tế của hàng không Việt Nam nhanh chóng phục hồi, sớm đạt và vượt mức trước Covid 19.

PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Đại học Yersin

TS. Bùi Doãn Nề, Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Airbus (2021), Global Market Forecast 2021-2040.
  2. Boeing (2021), Commercial market outlook 2021- 2040.
  3. Bộ Y tế (2022), Thành quả 1 năm tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam - Tin liên quan - Cổng thông tin Bộ Y tế (moh.gov.vn)Thông tin y tế trên các báo ngày 18/5/2022 - Tin tức sự kiện - Cổng thông tin điện tử Sở y tế Hà Nội (hanoi.gov.vn)
  4. Cục Hàng không Việt Nam: Tổng hợp số liệu khai thác các chuyên bay đúng giờ, chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không Việt Nam hàng tháng trong giai đoạn 2019- 4. 2022.
  5. Growth of the global GDP from 2016- 2026Growth of the global gross domestic product (GDP) 2026 | Statista
  6. Samuel Devaraj (2022), Passengers can look forward to new cabin features when Singapore Airlines takes delivery of new fleet. The straitstimes, 02/ 2022.
  7. IATA (3/ 2022), Air Passenger Numbers to Recover in 2024. Press release no. 10/ 2022.
  8. ICAO (5/ 2022), Effects of Novel Coronavirus (COVID-19) on Civil Aviation: Economic Impact Analysis.
  9. IMF (01/2022), World economic outlook
  10. Hari Kishan, Jonathan Cable (2022), Global growth to slow as inflation bites: Reuters poll. https://www.reuters.com.
  11. Strategic Planning & Market Analysis Department at Japan Aircraft Development Corporation (2021), Worldwide Market Forecast 2020 – 2040). Prompt Repor
  12. Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê các năm 2008, 2013 và 2019.
  13. WB (01/ 2022), Global Growth to Slow through 2023, Adding to Risk of ‘Hard Landing’ in Developing Economies   

Theo Opensky.vn