Trong khi các hạn chế liên quan đến dịch bệnh áp dụng ở châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc, vẫn đang kìm hãm việc nối lại các chuyến bay đường dài thì các hãng hàng không tầm trung dường như đã vượt qua khủng hoảng.
Số liệu của Tổ chức An toàn Hàng không châu Âu (Eurocontrol) cho thấy tình trạng hồi phục đáng kinh ngạc của các hãng hàng không giá rẻ, đặc biệt là hai hãng hàng không dẫn đầu thị trường, Wizz Air của Hungary và Ryanair của Ireland.
Chỉ tính riêng trong tuần đầu tháng 8, hai công ty này đã hoạt động tốt hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 - năm cuối cùng trước cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu liên quan đến đại dịch COVID-19. Theo Eurocontrol, số chuyến bay do Wizz Air khai thác đã tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi hoạt động kinh doanh của Ryanair tăng trưởng 15%.
Theo các chuyên gia, với hoạt động chỉ tập trung vào đường bay tầm trung, các hãng hàng không giá rẻ "có khả năng khôi phục công suất ngay khi nhu cầu quay trở lại". Ryanair và Wizz Air là hai ví dụ điển hình nhất. Trong khi tập đoàn Air France chỉ khai thác 1.067 chuyến bay trong tuần từ ngày 5-11/8, hãng hàng không Ryanair của Ireland đứng đầu ở tất cả các hạng mục, đã thực hiện 3.012 chuyến bay.
Wizz Air tuy kém xa, chỉ với 817 chuyến bay, nhưng công ty Hungary này, có mô hình tương tự của Ryanair ở Trung Âu, gần như chỉ mới xuất hiện trên bầu trời châu Âu.
Bên cạnh đó, ngoài việc hồi phục lại nhanh hơn ở đường bay tầm trung, các hãng hàng không giá rẻ cũng có sức khỏe tài chính trước COVID-19 tốt hơn nhiều so với các hãng hàng không truyền thống và đây cũng là một lợi thế của họ.
Mặt khác, khi bầu trời được mở rộng hoàn toàn, họ đã tận dụng được các lợi thế của mình để "thay thế các hãng truyền thống trên một số tuyến nhất định. Đây là trường hợp của Transavia France, một công ty con giá rẻ của Air France, đã tận dụng lợi thế từ đại dịch để chiếm lấy các điểm đến do công ty mẹ phục vụ trước đó.
Tại châu Âu, với một khoảng cách tương đương, chi phí trên mỗi km cho một hành khách là 9 xu euro (8,9 xu Mỹ) ở Air France, so với 5 xu ở EasyJet, và thậm chí chỉ 3 xu đối với Ryanair. Mức giá "rẻ" này cho phép hãng Ireland lấp đầy khoang hành khách của mình và thu về 170 triệu euro lợi nhuận trong quý II/2022.
Các hãng bay khác không phải tất cả đều đã có lợi nhuận dương như như vậy. Đó là trường hợp của easyJet. Bất chấp 22 triệu lượt hành khách được vận chuyển từ tháng 4-6/2022, gấp 7 lần so với cùng thời điểm năm 2021, hãng hàng không Anh này vẫn lỗ 114 triệu bảng Anh (133 triệu USD).
Dự báo trong thời gian tới, giá vé hàng không giá rẻ sẽ tăng dần. Rất nhiều yếu tố khiến các hãng hàng không phải tăng giá vé để duy trì hoặc phục hồi lợi nhuận. Với các điểm khởi hành từ Pháp, trong tháng Bảy giá vé đã tăng 43,5% so với cùng thời điểm trong năm 2021. Mức tăng thậm chí là 54,5% đối với các điểm đến nội địa ở châu Âu, nơi họ chiếm lĩnh thị trường.