Rolls-Royce khuấy động thị trường máy bay điện vận tải hành khách

Rolls-Royce khuấy động thị trường máy bay điện vận tải hành khách

09:48 - 11/05/2022

Thương hiệu hạng sang đang tiến gần tới việc thương mại hoá những chiếc máy bay điện. Nhật Bản và Bắc Âu là các khách hàng tiềm năng nhất.

Khánh hàng sẽ được "lướt mạng" trên nhiều chặng bay của Vietnam Airlines
FAA đặt thời hạn 90 ngày để Boeing trình kế hoạch kiểm soát chất lượng
Vietnam Airlines làm chủ nhà của hội nghị Hàng không Quốc tế tại Hà Nội
Doanh nghiệp khởi nghiệp Bỉ chuyển hướng sang dịch vụ taxi bay
Đơn giản hóa một số thủ tục về kinh doanh vận chuyển hàng không

Công nghệ dành cho máy bay chạy điện đã đạt được nhiều tiến bộ, tạo ra triển vọng mở ra một kỷ nguyên mới cho lĩnh vực vận tải hành khách trong giai đoạn năm 2023 đến 2026 sắp tới.

Bỏ xa kỷ lục về tốc độ của những động cơ điện hiện hành

Chiếc máy bay cỡ nhỏ dùng hoàn toàn động cơ điện từ Rolls-Royce đã phá 2 kỷ lục thế giới về tốc độ, cho thấy tiềm năng to lớn của phương tiện này trong lĩnh vực vận tải quãng ngắn.

Thương hiệu xe sang đang bắt tay với một số công ty hàng không để phát triển máy bay cùng các phương tiện sử dụng hệ thống động cơ điện của hãng.

Năm ngoái, Spirit of Innovation, máy bay cánh quạt chạy điện 1 chỗ ngồi của công ty, đạt vận tốc trung bình 555,9 km/h trong quãng đường hơn 3km, vượt xa kỷ lục tốc độ phương tiện không phát thải tại thời điểm đó (213,04 km/h).

Đối với quãng đường hơn 15km, chiếc máy bay này đạt vận tốc trung bình kỷ lục 532,1 km/h, với tốc độ tối đa là 623 km/h.

Cả hai kỷ lục trên đều được ghi nhận vào tháng 1 vừa qua, bởi Liên đoàn Hàng không quốc tế, hay còn gọi là Liên đoàn thể thao hàng không thế giới, nơi chứng nhận các kỷ lục dành cho lĩnh vực hàng không và du hành vũ trụ.

Rob Watson, Trưởng bộ phận kinh doanh máy bay điện của Rolls-Royce cho biết, công ty đã xây dựng được nền tảng vững chắc hướng tới thương mại hoá dịch vụ.

Chiếc máy bay điện thương mại hoá đầu tiên sẽ được thiết kế cỡ nhỏ phục vụ vận chuyển hành khách tốc độ cao, với một hoặc nhiều motor chạy bằng pin.

Những thách thức đối với thương mại hoá máy bay điện gồm việc giảm thiểu khối lượng của các bộ phận chính như pin và motor trong khi vẫn đảm bảo gia tăng được sức mạnh. Các máy bay điện được kỳ vọng tạo ra lợi thế về chi phí đối với hàng không truyền thống khi di chuyển quãng ngắn với số lượng hành khách giới hạn.

Sản phẩm của Rolls-Royce được trang bị hệ thống truyền động 400 kW, tương đương với hệ thống trên những chiếc xe điện hiệu suất cao. Máy bay cũng được trang bị bộ pin có khả năng hoạt động khoảng 320 km /1 lần sạc, bằng khoảng cách từ London tới Paris. Theo hãng xe sang này, đây là một trong những bộ pin nén có dung lượng cao nhất thế giới.

Rolls-Royce cũng có kế hoạch phối hợp với các nhà sản xuất khung máy bay Tecnam (Italia) và hãng hàng không Wideroe (khu vực Bắc Âu) nhằm đưa vào khai thác thương mại thị trường vận tải hành khách nội địa trong khu vực này vào năm 2026.

Theo Watson, công ty muốn sản xuất hệ thống động cơ điện cho các thiết bị lên thẳng (eVTOL) sử dụng trong vận tải đô thị vào năm 2025.

Vertical Aerospace, một start-up eVTOL Anh đã quyết định sử dụng công nghệ của Rolls-Royce. Andrew Macmillan, Giám đốc hạ tầng Vertical Aerospace, nhấn mạnh việc áp dụng các công nghệ đã được thử nghiệm và chứng nhận giúp công ty sớm đưa các máy bay eVTOL vào thương mại hoá.

Nhật Bản và khu vực Bắc Âu là các thị trường tiềm năng nhất

Nhật Bản là một trong những thị trường mục tiêu chính của dự án máy bay vận tải chạy điện. Các công ty tại đây đang gia tăng hiện diện trong thị trường mới chớm nở.

Trong năm 2021, hãng hàng không Nhật Bản đạt thỏa thuận cho phép mua hoặc thuê tới 100 chiếc taxi hàng không eVOTL do Vertical Aerospace sản xuất, thông qua công ty Avolon.

Ngoài ra, tập đoàn thương mại khổng lồ tại Nhật, Marubeni cùng Vertical Aerospace đã thống nhất hợp tác tiếp thị các phương tiện flagship của Vertical tại đất nước mặt trời mọc. Trong đó, tập đoàn này đã đặt trước 200 máy bay.

Watson cho rằng Nhật có môi trường kinh doanh và là thị trường tốt cho các hệ thống di chuyển bằng điện hàng không. Tương tự như khu vực Scandinavia, nơi công ty có kế hoạch ra mắt chiếc máy bay thương mại đầu tiên, Nhật Bản có địa hình gồm nhiều hòn đảo cách xa nhau, do đó nhu cầu đi lại đô thị mang lại cơ hội lớn.

Nghiên cứu thị trường của Rolls-Royce cho thấy, vào thời điểm năm 2050 có khoảng hơn 160.000 máy bay điện thương mại bay trên bầu trời các thành phố.

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ chiếm hơn một nửa số lượng máy bay của lĩnh vực mới này. Tại Nhật, số máy bay đi vào hoạt động tăng từ 630 chiếc trong năm 2030, lên 4.500 trong năm 2040 và 16.400 chiếc vào năm 2050, chiếm khoảng 10% tổng số toàn cầu.

Rolls-Royce là công ty từng phá kỷ lục về tốc độ đối với động cơ máy bay thông thường vào đầu những năm 1930, giai đoạn bình minh của ngành công nghiệp máy bay. Với xu hướng không phát thải carbon toàn cầu, công ty đang chạy đua để cơ cấu lại dòng sản phẩm và tài chính với bộ phận máy bay chạy điện.

 Theo Opensky.vn