Ông Lại Xuân Thanh thôi làm Chủ tịch ACV
09:38 - 05/09/2024
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam vừa có thông báo về việc thay đổi nhân sự chủ chốt trong Hội đồng quản trị của đơn vị.
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026
Trong thông báo mới đây, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) cho biết ông Lại Xuân Thanh đã thôi đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ngày 1/9.
Theo đó, HĐQT công ty quyết định miễn nhiệm ông Thanh để hưởng chế độ hưu trí theo quy định. Hiện ACV chưa công bố người thay thế ông Lại Xuân Thanh.
Sau khi ông Thanh rời vị trí chủ tịch, HĐQT của ACV còn 6 thành viên gồm ông Vũ Thế Phiệt, ông Đào Việt Dũng, bà Lê Thị Diệu Thuý, ông Lê Văn Khiên, bà Nguyễn Thị Hồng Phượng và ông Nguyễn Ngọc Quý.
Ông Lại Xuân Thanh sinh năm 1963, là thạc sĩ Quản trị Nhà nước và cử nhân Luật quốc tế. Ông làm việc trong ngành hàng không từ năm 1992, giữ vị trí Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam từ năm 2012 đến năm 2017.
Ông Lại Xuân Thanh ngồi "ghế nóng" ACV từ tháng 6/2017. Ảnh: ACV.
Đến tháng 6/2017, ông được bầu làm Chủ tịch ACV, thay thế cho ông Nguyễn Nguyên Hùng nghỉ hưu. Thời gian đương nhiệm của ông Thanh tại ghế nóng ACV là hơn 7 năm.
ACV là doanh nghiệp được Nhà nước nắm 95,4% vốn. Đơn vị hiện đang quản lý hoạt động của 22 cảng hàng không trên cả nước. Đồng thời, tổng công ty cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án hàng không, đáng chú ý có thể kể đến dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga hành khách T3 cảng hàng không Tân Sơn Nhất.
Nguồn thu của ACV đến từ các dịch vụ hàng không bao gồm phí cất hạ cánh, dịch vụ mặt đất, phí hành khách, phí đảm bảo an ninh… và các dịch vụ phi hàng không như cho thuê mặt bằng, quảng cáo, cũng như các hạ tầng khác trong khu vực cảng hàng không.
Theo báo cáo tài chính, ACV ước tính sơ bộ lợi nhuận trước thuế trong quý II đạt 2.354 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trước sự hồi phục mạnh mẽ của khách quốc tế và một số yếu tố khác đã giúp ACV ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 4.000 tỷ đồng trong quý II. Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 620 tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 3.228 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của ACV tăng 16%, lên 11.178 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế nhờ đó mở rộng 45% lên lần lượt 7.627 tỷ đồng và 6.148 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của ACV tăng 9,3% lên 55.104 tỷ đồng.
Năm nay, đơn vị đặt kế hoạch kỷ lục với doanh thu thuần hơn 20.000 tỷ đồng và lãi trước thuế gần 9.400 tỷ đồng, tăng tương ứng 2% và 6% so với thực hiện năm 2023. Nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành 56% chỉ tiêu doanh thu và 81% mục tiêu lợi nhuận.