NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT TRONG THỰC TẾ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY VIỆT NAM

NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT TRONG THỰC TẾ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG CẢNG HÀNG KHÔNG, SÂN BAY VIỆT NAM

11:30 - 19/09/2022

Hệ thống CHK của chúng ta có cấu trúc TRỤC- NAN. Trong đó, có ba CHK là ba trung tâm lớn của ba miền đồng thời là CHK quốc tế, gồm: NỘI BÀI, ĐÀ NẴNG và TÂN SƠN NHẤT. Ba CHK quốc tế (CHKQT) như trên đã tạo thành trục bay BẮC-TRUNG-NAM.

Vietjet bay chuyến đầu tiên có sử dụng nhiên liệu bền vững SAF
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026

ThS. Phạm Văn Tới, Phó CT VAAST

PGS,TS Nguyễn Duy Đồng, Học viện KTQS

Sơ lược về quá trình phát triển mạng Cảng hàng không, Sân bay Việt Nam

Trước 1975: Hầu hết các cảng hàng không, sân bay Việt Nam (CHK-SB) ở cả hai miền Nam, Bắc đều tập trung ưu tiên phục vụ cho chiến tranh là chủ yếu.

- Ở miền Bắc: Các sân bay phục vụ bay dân dụng là: Gia lâm, Điện biên, Vinh, Đồng Hới (trên thực tế các sân bay này là sân bay dùng chung), các sân bay còn lại phục vụ quân sự là chủ yếu.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của các sân bay chủ yếu được trang bị cho các sân bay dã chiến, thiết bị thô sơ và đơn giản .

- Ở miền Nam: Có các sân bay chính như: Tân sơn nhất, Biên hòa, Đà lạt (Liên khương và Cam ly), Plâyku, Ban mê thuột, Đà nẵng, Phan rang, Phú bài, Nha trang, Cam ranh, Qui nhơn, Rạch giá, Cần thơ, Cà mâu, Phú quốc, Côn sơn và rất nhiều các sân bay dã chiến, bãi đậu trực thăng … được xây dựng để phục vụ cho chiến tranh.

Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được trang bị đầy đủ, hiện đại hơn ở các sân bay miền Bắc lúc đó, sau chiến tranh ta còn tiếp tục sử dụng trong một thời gian dài, rất hiệu quả.

Từ năm 1975 đến 1990: Sau chiến tranh chúng ta đã tiếp quản miền Nam và tiến hành triển khai một hệ thống CHK, SB toàn quốc nhưng vẫn do quân đội làm chủ cho đến ngày 29/8/1989 khi có nghị định 112/HĐBT tách Hàng không Dân dụng Việt Nam (HKDDVN) ra khỏi Bộ Quốc phòng thành một ngành kinh tế kỹ thuật trực thuộc HĐBT (Nay là Chính phủ ).

Do phải khắc phục hậu quả chiến tranh nên giai đoạn này mang tính giải quyết tình thế (công tác tháo dỡ, di chuyển giữa các sân bay, vùng, miền… rất manh mún và phức tạp).

Từ 1990 đến nay:

- Hình thành và triển khai đề án quy hoạch mạng CHK, SB dân dụng toàn quốc (DDTQ): từ 1992 đến 1993

- Từ 1994 triển khai đề án quy hoạch mạng CHK, SB DDTQ

- Phê duyệt đề án quy hoạch mạng CHK, SB DDTQ trong quyết định số 911/1997/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 1997: “Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc”.

- Quy hoạch mạng CHK năm 2009 được thể hiện trong Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg, ngày 08/01/2009 “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2030”.

- Quy hoạch mạng CHK 2018 được thể hiện trong Quyết định số 236/QĐ-TTg, ngày 23/02/2018 “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2030”.

- Hiện nay đang chuẩn bị phê duyệt đề án “Quy hoạch mạng CHK, SB đến 2030 định hướng đến 2050”

Khái quát về Quyết định số 911/1997/QĐ-TTg ngày 24 tháng 10 năm 1997 “Quy hoạch phát triển hệ thống sân bay toàn quốc”

Quyết định này bao gồm cả các sân bay dân dụng và quân sự, trong đó Hàng không dân dụng có 52 sân bay.

Trong 52 sân bay dân dụng được phân loại gồm có 28 sân bay cơ bản hay còn gọi là cảng hàng không phục vụ bay thường lịch với lưu lượng khách dự báo trên 25.000 khách/năm và 24 sân bay dịch vụ hay gọi đơn giản là sân bay với lưu lượng khách tiềm năng dự báo dưới 25.000 khách/năm, giành cho bay phục vụ kinh tế quốc dân, nông lâm, ngư nghiệp, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế, v.v… Trong 28 CHK có 24 CHK đã có vị trí cụ thể, còn 4 CHK chưa xác định vị trí là: Thanh Hóa, Quảng ninh, Lào Cai và Cao Bằng.

Tóm lại, sau năm 1997 chúng ta đã có một hệ thống CHK-SB được quy hoạch tương đối hoàn chỉnh.

Hệ thống CHK của chúng ta có cấu trúc TRỤC- NAN. Trong đó, có ba CHK là ba trung tâm lớn của ba miền đồng thời là CHK quốc tế, gồm: NỘI BÀI, ĐÀ NẴNG và TÂN SƠN NHẤT. Ba CHK quốc tế (CHKQT) như trên đã tạo thành trục bay BẮC-TRUNG-NAM. Bên cạnh ba CHKQT có ba CHK dự bị, đó là CAT BI, CHU LAI, LONG THÀNH tạo thành ba trung tâm gom tụ và từ đây có các đường bay đi các sân bay địa phương như các nan hoa xe đạp. Việc quy hoạch như đã nêu được xem là hệ thống CHK được tổ chức tối ưu cho điều kiện của Việt Nam lúc đó, cho đến nay vẫn hợp lý và có ý nghĩa thực tiễn cao.

Những nhiệm vụ đặt ra trong quyết định 911/1997/QĐ-TTg

Trong báo cáo tổng hợp của Đề án quy hoạch mạng CHK-SB DDTQ đặ nêu những kiến nghị khi có quyết định trên như sau:

- Đề nghị Chính phủ cho triển khai giai đoạn thiết kế khả thi các sân bay trong mạng theo thứ tự ưu tiên: Các CHK-SB quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, các sân bay cơ bản và các sân bay dịch vụ.

- Cho phép thực hiện chương trình nghiên cứu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm đồng bộ, thống nhất cho việc lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công, quản lý và khai thác CHK-SB DDTQ.

- Đề nghị Nhà nước cho phép xây dựng trung tâm ngân hàng dữ liệu về mạng CHK-SB DDTQ, lập sổ đăng bạ quản lý mạng CHK-SB DDTQ, cho biên soạn và ban hành quy chế khu lân cận sân bay theo điều 25 và 23 Luật HKDDVN.

- Để mạng CHK-SB Quốc gia qui hoạch có chất lượng cao, phối hợp hài hòa chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ, đề nghị Chính phủ tổ chức một bộ phận chuyên trách nghiên cứu, phối hợp hai hệ thống mạng CHK-SB dân dụng và mạng Sân bay Qquân sự trình Chính phủ phê duyệt.

 Chính phủ ban hành qui chế quản lý các Sân bay dùng chung giữa Dân dụng và Quân sự trên nguyên tắc thống nhất giao cho ngành HKDDVN quản lý trong thời bình và Bộ Quốc phòng quản lý trong thời chiến.

- Các sân bay trên mặt nước và ven biển sẽ được nghiên cứu quy hoạch trong đồ án thiết kế mạng CHK-SB Quốc gia nhằm phối hợp chặt chẽ hiệu quả giữa kinh tế và quốc phòng. Những sân bay nằm ngoài mạng được phê duyệt, thì giao cho các địa phương và các cơ quan hữu quan khai thác sử dụng, Cục Hàng không dân dụng tham gia ý kiến về việc xây dựng và sử dụng liên quan đến mạng CHK-SB DDTQ.

- Đề nghị cho kinh phí gửi ra nước ngoài bổ túc, đào tạo đội ngũ KHKT có năng lực về khảo sát, thiết kế, thi công, khai thác, quản lý hệ thống mạng CHK-SB DDTQ để kịp đáp ứng sự phát triển của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam, đồng thời có kế hoạch đầu tư, mua sắm trang thiết bị thí nghiệm, khảo sát, thiết kế, thi công, khai thác các CHK-SB DDTQ theo hệ thống đồng bộ “.

            Cho đến nay, chỉ có nhiệm vụ số 1, số 2 và số 6 được thực hiện hoàn thành một phần, còn các nhiệm vụ khác chưa được quan tâm.

Định hướng phát triển hệ thống CHK-SB trong quyết định 21/Ttg và 236/Ttg.

Quyết định số: 21/QĐ-TTg ngày 08/01/2009 Phê duyệt “Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”

Trong quyết định này hệ thống mạng CHK-SB có định hướng phát triển với mục tiêu góp phần đảm bảo cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không, trong đó chỉ xem xét phát triển các CHK, chưa xem xét hệ thống sân bay dịch vụ, cụ thể như sau: Về các cảng hàng không, chỉ có vài thay đổi so với QĐ 911 là: Bỏ sân bay Cao Bằng ra khỏi hệ thống, thay CHK Nha trang bằng CHK Cam Ranh

* Đến năm 2020:

+ Mạng CHK đến năm 2020 được quy hoạch trên quan điểm lấy mô hình kết cấu trục nan làm cơ sở chính với Hà Nội (Nội Bài + Cát Bi), Đà Nẵng (Đà Nẵng + Chu Lai), Thành phố Hồ Chí Minh (Tân Sơn Nhất + Long Thành) là 03 điểm gom tụ lưu lượng hành khách, hàng hóa để nối với các đường bay nội địa và quốc tế. Việc quy hoạch mạng CHK đến năm 2020 cũng được cân nhắc nhu cầu phát triển một cách hợp lý các CHK tại các khu vực có vai trò quan trọng về kinh tế và quốc phòng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các khu vực này thông qua việc mở các tuyến bay nội địa liên vùng cũng như các tuyến bay quốc tế khu vực khi có nhu cầu.

+ Đến năm 2020 có 26 CHK được đưa vào khai thác, sử dụng, trong đó có 10 CHK quốc tế (CHKQT) là Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cần Thơ, Phú Quốc và 16 cảng hàng không nội địa (CHKNĐ) gồm Điện Biên, Nà Sản, Lào Cai, Quảng Ninh, Gia Lâm, Vinh, Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Sơn, Vũng Tàu.

* Đến năm 2030:

+ Tiếp tục phát triển các CHK hiện có bao gồm 10 CHKQT (Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cần Thơ, Phú Quốc) và 16 CHKNĐ (Điện Biên, Nà Sản, Gia Lâm, Lào Cai, Quảng Ninh, Vinh, Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Sơn, Vũng Tàu).

+ Nghiên cứu trị trí, quy mô CHKQT thứ 2 trong vùng Thủ đô Hà Nội khi nhu cầu vận tải hành khách hàng không trong vùng vượt quá 50 triệu HK/năm. Nếu nhu cầu thị trường đủ lớn, trong giai đoạn này có thể phát triển một số sân bay như Lai Châu, Cao Bằng, Phan Thiết thành các cảng hàng không.

Quyết định số: 236/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2018 Phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”

Trong quyết định này nêu thêm khái niệm cảng hàng không cửa ngõ quốc tế. Mạng cảng hàng không định hướng như sau:

* Đến năm 2020:

- Khai thác hệ thống 23 cảng hàng không (CHK) gồm 13 CHK quốc nội và 10 CHK quốc tế, trong đó 4 CHK Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh là cửa ngõ quốc tế; được phân bổ theo khu vực quản lý chuyên ngành như sau:

+ Khu vực miền Bắc: 7 CHK gồm 4 CHKQT (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Vinh) và 3 CHK quốc nội (Điện Biên, Thọ Xuân, Đồng Hới);

+ Khu vực miền Trung: 7 CHK gồm 03 CHKQT (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) và 4 CHK quốc nội (Chu Lai, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà);

+ Khu vực miền Nam: 9 CHK gồm 3 CHKQT (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc) và 6 CHK quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).

* Đến năm 2030:

- Khai thác hệ thống 28 CHK gồm 15 CHK quốc nội và 13 CHKQT, trong đó 5 CHK Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành là cửa ngõ quốc tế, được phân bổ theo khu vực quản lý như sau:

+ Khu vực miền Bắc: 10 CHK gồm 5 CHKQT (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh) và 5 CHK quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới);

+ Khu vực miền Trung: 8 CHK gồm 4 CHKQT (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai) và 4 CHK quốc nội (Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà);

+ Khu vực miền Nam: 10 CHK gồm 4 CHKQT (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Long Thành) và 6 CHK quốc nội (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).

Đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK-SB toàn quốc đến 2030, tầm nhìn 2050”

Hiện nay Bộ GTVT đang trình Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc đến 2030, tầm nhìn 2050”

Phạm vi quy hoạch:

Hệ thống CHK dân dụng toàn quốc không bao gồm sân bay quân sự và các sân bay chuyên dùng

Quan điểm quy hoạch:

- Cần ưu tiên đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, bền vững, phù hợp với xu thế phát triển của hàng không thế giới; tạo tiền đề cho phát triển kinh tế, xã hội, gắn với nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng trời.

- Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các cảng hàng không và hệ thống tổ chức, quản lý bảo đảm hoạt động bay đồng bộ, tiên tiến, hiện đại, an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO); đáp ứng nhu cầu phát triển có tính đến sự hài hòa giữa các vùng miền; hỗ trợ hiệu quả công tác khẩn nguy cứu trợ; kết nối đồng bộ với các phương thức vận tải khác; phát triển vận tải đa phương thức và các trung tâm dịch vụ logistic tại các cảng hàng không có nhu cầu vận tải hàng hóa lớn, đặc biệt là các cảng hàng không đóng vai trò đầu mối.

- Tập trung nguồn lực đầu tư hình thành một số CHK trọng yếu, đóng vai trò đầu mối, có tính lan tỏa và tác động mạnh mẽ đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế. Huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp; ưu tiên nguồn lực nhà nước phát triển các CHK đóng vai trò đầu mối tại trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước.

- Chủ động tiếp cận, đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại, đặc biệt là trong quản lý đầu tư xây dựng, khai thác, tổ chức và cung ứng các dịch vụ bảo đảm hoạt động bay nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Tăng cường và nâng cao công tác quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Dự kiến kết quả quy hoạch hệ thống CHK toàn quốc

Thời kỳ 2021-2030:

          - Mạng CHK được quy hoạch theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực Thủ đô Hà Nội và khu vực TP.HCM. Mạng được hình thành gồm 28 CHK, bao gồm 14 CHK quốc tế và 14 CHK quốc nội trên phạm vi cả nước. Cụ thể mạng gồm các CHK sau:

  • 14 CHK quốc tế gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc;

  • 14 CHK quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo;

Tầm nhìn đến năm 2050:

  • Hình thành 29 CHK, bao gồm 14 CHK quốc tế, 15 CHK quốc nội được phân loại như sau:

  • 14 CHK quốc tế gồm: Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc;

  • 15 CHK quốc nội gồm: Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Cao Bằng, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.

Những vấn đề còn cần nghiên cứu sâu hơn:

Hoàn thiện phương pháp quy hoạch mạng CHK-SB DDTQ;

- Nghiên cứu vị trí CHK thứ 2 vùng Thủ đô Hà Nội;

- Hệ thống đảm bảo hoạt động bay tuân thủ lộ trình, yêu cầu, tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO);

- Các Trung tâm logistics vận tải hàng không;

- Các Trung tâm đào tạo và huấn luyện bay;

- Các Trung tâm bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay;

- Phát triển hệ thống sân bay trực thăng, sân bay trên mặt nước, sân bay nhỏ và sân bay chuyên dùng cho hàng không chung, phục vụ kinh tế quốc dân, nông lâm ngư nghiệp, tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu y tế, thể thao v.v...

- Hệ thống giao thông kết nối tới CHK;

- Cần nghiên cứu khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư cho hệ thống CHK với Tổng nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng.

Các giải pháp cần thiết:

            Đề án trình bày các nội dung sau:

- Về cơ chế chính sách;

- Về huy động vốn đầu tư;

- Về môi trường, khoa học và công nghệ;

- Về phát triển nguồn nhân lực;

- Về hợp tác quốc tế;

- Về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch.

Một số ý kiến riêng của các tác giả

Những ý kiến dưới đây theo tác giả, cần được quan tâm và bổ sung luận cứ thêm:

- Thống nhất tiêu chí phân loại, phân cấp CHK và phương pháp khoa học quy hoạch mạng CHK-SB mang tính định lượng và kinh tế hơn với tư duy mới hơn.

- Xem xét các loại CHK quốc tế có giá trị toàn quốc tại khu vực Hà Nội, Đà Nẵng, Tp.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa và các CHKQT khác.

- Luận chứng đồng bộ quy mô CHKQT Nội Bài và CHKQT thứ hai vùng Thủ đô, sao cho quy mô Nội Bài cơ bản không quá 60-70 triệu HK/năm, không nên quy hoạch Nội Bài 100 triệu HK/năm (rút kinh nghiệm trong nước đang khai thác Tân Sơn Nhất, Nội Bài và quy hoạch CHKQT Long thành và các CHK khác trên thế giới).

- Xây dựng tiêu chí và phân loại CHK-SB do nhà nước chủ trì quản lý khai thác và tư nhân quản lý khai thác, CHK-SB dùng chung với quân sự.

  • Nghiên cứu quản lý khai thác CHK chỉ nên do một chủ thể quản lý khai thác bảo dưỡng sửa chữa như một chỉnh thể thống nhất, đồng bộ, không nên Nhà nước quản lý khai thác khu bay, nhà khai thác chỉ quản lý khai thác bảo dưỡng phần còn lại.

Theo Opensky.com.vn