Những chủ nợ của Vietnam Airlines
08:40 - 24/09/2024
Tính đến 30/6, Vietnam Airlines vay ngắn hạn 10.390 tỷ đồng, vay dài hạn 4.592 tỷ đồng và nợ thuê tài chính 8.373 tỷ đồng.
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026
Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên năm nay của Vietnam Airlines ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 5.194 tỷ đồng, giảm 74 tỷ đồng so báo cáo công ty tự lập trước đó.
Mặc dù vậy, đây vẫn là mức kỷ lục của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam. Kết quả kinh doanh tăng mạnh chủ yếu do công ty mẹ và các công ty con đều có lãi.
Trong đó, công ty con Pacific Airlines ghi nhận khoản thu nhập khác tăng mạnh nhờ được đối tác xóa nợ hơn 220 triệu USD sau khi hãng bay này trả hết toàn bộ đội tàu bay Airbus A320 đã thuê từ các chủ tàu, qua đó giúp Vietnam Airlines ghi nhận khoản lợi nhuận khác hơn 4.500 tỷ đồng.
Dù có lãi lớn, tại báo cáo soát xét, đơn vị kiểm toán KPMG tiếp tục đưa ý kiến về khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines.
Nợ vay - vấn đề lớn nhất
Tại thời điểm ngày 30/6, nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines và các công ty con đã vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền 40.787 tỷ đồng, khoản phải trả đã quá hạn là 13.351 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu của hãng bay âm 11.633 tỷ đồng.
KPMG đánh giá khả năng hoạt động liên tục của Vietnam Airlines sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc được gia hạn thanh toán các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng và các khoản phải trả cho nhà cung cấp và bên cho thuê. Song song với đó là khả năng thành công của đề án tái cơ cấu đang được các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
Tàu bay của Vietnam Airlines hạ cánh tại cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thắng Nguyễn.
Nợ vay vẫn là vấn đề lớn của Vietnam Airlines. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, tính đến 30/6, Vietnam Airlines vay ngắn hạn 10.390 tỷ đồng, vay dài hạn 4.592 tỷ đồng và nợ thuê tài chính 8.373 tỷ đồng. Những con số này đều giảm đáng kể so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, các khoản vay ngắn hạn và dài hạn được cấp bởi hầu hết tổ chức tín dụng trong nước.
Cụ thể, vào thời điểm cuối tháng 6, Vietnam Airlines vay ngắn hạn 10.390 tỷ đồng tại nhiều ngân hàng gồm SeABank (2.264 tỷ đồng), Vietcombank (2.179 tỷ đồng), MSB (1.268 tỷ đồng), SHB (gần 1.000 tỷ đồng) và các ngân hàng khác như ABBank, BIDV, Vietinbank, MB...
Các khoản vay có lãi suất 2,5-7%/năm, bằng cả VND và USD. Trong đó, các khoản vay tái cấp vốn từ SeaBank, MSB và SHB với tổng hạn mức là 4.000 tỷ đồng theo Thông tư 04 được đảm bảo bằng tài sản bao gồm tàu bay, động cơ và cổ phiếu Vietnam Airlines và các công ty con, công ty liên kết niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ngoài các khoản tái cấp vốn, khoản vay với Vietcombank được đảm bảo bằng tài sản là 1.326 tỷ đồng. Các khoản vay ngắn hạn còn lại không có tài sản đảm bảo.
Về dài hạn, Vietnam Airlines có khoản vay dài hạn 4.592 tỷ đồng. Đa phần các khoản vay dài hạn sẽ đáo hạn trong giai đoạn 2027-2029.
Trong đó, khoản nợ vay dài hạn lớn nhất là khoản vay hợp vốn của 3 ngân hàng trong nước do Vietcombank làm đầu mối tín dụng, trị giá xấp xỉ 2.400 tỷ đồng. Tiếp theo là các khoản vay của BIDV trị giá 604 tỷ đồng, Eximbank 559 tỷ đồng…
Còn nợ thuê tài chính dài hạn trị giá 8.373 tỷ đồng, được cấp bởi các định chế nước ngoài gồm tập đoàn ING (4.750 tỷ đồng), ngân hàng Citibank (1.668 tỷ đồng) và ngân hàng MUFG (998 tỷ đồng), ngân hàng HSBC (655 tỷ đồng) và ngân hàng JP Morgan Chase (301 tỷ đồng).
Các khoản nợ thuê tài chính trên được đảm bảo bằng bảo lãnh của Bộ Tài chính là 7.734 tỷ đồng.
Đàm phán cơ cấu lại lịch thanh toán khoản vay
Trong báo cáo gần đây, ban lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết để giải quyết nguồn vốn hoạt động, đến ngày 30/6, Vietnam Airlines đã ký với các ngân hàng tổng hạn mức tín dụng 29.800 tỷ đồng.
Trong kỳ, các ngân hàng đã đồng ý tiếp tục cấp hạn mức tín dụng cho các khoản vay ngắn hạn mà tổng công ty đã thanh toán đúng hạn và đáp ứng các điều kiện, quy định.
Ban lãnh đạo Vietnam Airlines tin tưởng sẽ tiếp tục duy trì được các hạn mức tín dụng hiện tại trong năm tiếp theo cũng như đảm bảo thanh toán các khoản gốc vay đến hạn.
Đối với các khoản vay dài hạn và nợ thuê tài chính, Vietnam Airlines đã đàm phán thành công với một số chủ nợ để cơ cấu lại lịch thanh toán các khoản vay đến hạn trả.
Nhiều đối tác đã đồng ý giảm giá như giảm chi phí thuê tàu bay và bảo dưỡng hoặc giãn, hoãn lịch thanh toán đối với chi phí thuê tàu bay, quản lý bay và các dịch vụ chuyến bay.
Về đề án tái cơ cấu, Vietnam Airlines đã hoàn thành việc xây dựng các đề án và báo cáo các cơ quan liên quan, đồng thời đang trình các cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và xem xét phê duyệt các đề án này.