Nâng cấp đường cất cánh sân bay Côn Đảo để đón được A320, B737

Nâng cấp đường cất cánh sân bay Côn Đảo để đón được A320, B737

13:44 - 07/08/2024

Đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) bao gồm mở rộng đường cất hạ cánh hiện tại và xây thêm đường lăn mới cho cảng hàng không Côn Đảo để đón được các tàu bay cỡ lớn hơn.

Tỷ lệ bay đúng giờ tăng mạnh sau giai đoạn cao điểm hè
145 chuyến bay bị hủy, không được tiếp nhận do bão số 3 - Yagi
Sân bay Vân Đồn có gió giật cấp 12 do bão Yagi
Ông Lại Xuân Thanh thôi làm Chủ tịch ACV
Lợi nhuận công ty kiểm soát không lưu tăng mạnh

Bộ GTVT vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về phương án đầu tư cảng Hàng không Côn Đảo.

Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị tiếp tục triển khai dự án nâng cấp, mở rộng khu bay bằng nguồn vốn đầu tư công để sớm đưa vào khai thác máy bay code C (A320 và tương đương), phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, bảo đảm tuyệt đối an toàn trong khai thác và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đây được đánh giá là phương án bảo đảm hiệu quả khai thác cũng như hiệu quả sử dụng vốn với kinh phí hợp lý.

Mở thêm đường cất hạ cánh là phương án tối ưu giúp sân bay Cỏ Ống đón thêm tàu bay lớn. Ảnh: VASCO.

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn tại cảng hàng không Côn Đảo do Bộ GTVT đề xuất ban đầu với tổng mức đầu tư khoảng 1.680 tỷ đồng, được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025.

Cụ thể, dự án đầu tư mở rộng, nâng cấp kết cấu đường cất hạ cánh hiện hữu theo quy hoạch với kích thước 1.830 m x 45 m; xây dựng mới một đường lăn song song và các đường lăn nối; bổ sung các hạng mục bảo đảm an toàn trong khai thác (RESA, đèn đêm) và hệ thống thiết bị hạ cánh đồng bộ để khai thác hiệu quả các loại tàu bay code C (Airbus A319, A320neo/ceo, Boeing 737-7/8 và tương đương) theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và theo Quy hoạch.

Theo báo cáo của Cục Hàng không, phương án quy hoạch với hướng đường cất hạ cánh hiện hữu là phương án tối ưu. Để khai thác đầy tải trọng thương mại với các dòng tàu bay tầm trung như A321, cần kéo dài đường cất hạ cánh ra phía biển khoảng 860 m (về phía đông) để đạt chiều dài 2.400 m.

Theo phương án này, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư phát triển sân bay Côn Đảo khoảng trên 10.000 tỷ đồng.

Do địa hình khu vực sân bay Côn Đảo hạn chế, cùng điều kiện triển khai ra phía biển phức tạp, kinh phí đầu tư lớn, tác động lớn tới môi trường, Bộ GTVT đã đề xuất sử dụng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Australia để lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín của quốc tế hỗ trợ rà soát, đánh giá khả năng đáp ứng của đường cất hạ cánh và khuyến nghị chủng loại tàu bay khai thác tối ưu tại sân bay Côn Đảo.

Đơn vị tư vấn quốc tế được lựa chọn là ADPi (Pháp) - một trong những hãng tư vấn hàng đầu thế giới về quy hoạch, khai thác cảng hàng không - đã tham gia quy hoạch nhiều cảng hàng không lớn trên thế giới.

Sau khi tiến hành khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm các sân bay thế giới có cấu hình tương tự, làm việc với các hãng hàng không của Việt Nam và các đơn vị có liên quan, ADPi đã có báo cáo cuối cùng vào tháng 6.

Thông tin này được các đơn vị ngành hàng không đánh giá cao, các hãng hàng không thống nhất và ủng hộ.

Sân bay Cỏ Ống chỉ đủ điều kiện khai thác một số loại tàu bay nhất định. Ảnh: Hải An.

Theo Bộ GTVT, hiện đội tàu bay code C của các hãng hàng không Việt Nam chủ yếu gồm các dòng tàu bay Airbus A320 và ATR72 (VNA, Vasco Airlines). Các hãng hàng không Việt Nam đã và đang tiếp tục thuê, mua các dòng tàu bay code C như Airbus A320neo/ceo, A321neo/ceo và Boeing 737 MAX 8.

Trên cơ sở kết quả tính toán các đường bay dự kiến, điều kiện khai thác, tư vấn quốc tế kết luận chiều dài đường cất hạ cánh hiện tại (1.830 m) của sân bay Côn Đảo đủ để tiếp nhận và khai thác hiệu quả hầu hết tàu bay code C do các hãng hàng không Việt Nam khai thác, ngoại trừ tàu bay A321 phải giảm tải trọng thương mại.

Các hãng hàng không được đánh giá nên khai thác các loại tàu bay code C cỡ trung bình (A320ceo/neo, A319, B737-7/8) để bảo đảm hiệu quả khai thác cao nhất, cũng như hiệu quả đầu tư về hạ tầng, bảo đảm khai thác toàn bộ các đường bay nội địa của Việt Nam và có thể khai thác một số đường bay quốc tế tới Đông Nam Á, Bắc Á.

Để tăng năng lực khai thác đường cất hạ cánh, đơn vị tư vấn cũng khuyến nghị xây dựng khu tiếp nhiên liệu tại cảng, đường lăn song song giúp tăng 50% công suất, ngay cả với đội tàu bay đang khai thác. Đồng thời, cảng hàng không Côn Đảo cần bổ sung các hạng mục công trình bảo đảm an toàn trong khai thác.

Đối với các công trình bảo đảm hoạt động bay, theo quy định hiện hành, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) có trách nhiệm đầu tư, nâng cấp, mở rộng các công trình, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm hoạt động bay tại cảng hàng không Côn Đảo.

Với các công trình khu hàng không dân dụng, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng trong giai đoạn đến năm 2030, cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng khu hàng không dân dụng mới như nhà ga hành khách, sân đỗ, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, với công suất khoảng 2 triệu lượt khách/năm, ước tính kinh phí đầu tư khoảng 2.100 tỷ đồng theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Do đó, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nghiên cứu, xây dựng Đề án đầu tư khu hàng không dân dụng theo phương thức đối tác PPP để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của địa phương.

Hiện nay, một số hãng hàng không đang nghiên cứu phương án khai thác các đường bay tới Côn Đảo bằng loại tàu bay như Airbus A320 và Embraer E190.

Trong tương lai, Vietjet Air có thể thuê tàu bay E190 để khai thác, sau khi cảng được cải tạo, nâng cấp sẽ khai thác tàu bay A320. Vietnam Airlines cũng dự kiến khai thác tàu bay A320 tại sân bay Côn Đảo trong thời gian tới.

Theo một số hãng hàng không, để có khả năng khai thác hiệu quả các loại tàu bay trên, cần sớm mở rộng đường cất hạ cánh và nâng cao sức chịu tải của kết cấu mặt đường.

Đường cất hạ cánh, đường lăn tại cảng hàng không Côn Đảo được xây dựng từ năm 2004, hiện đã xuống cấp, khả năng chịu tải kém. Chiều rộng đường cất hạ cánh 30 m không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác tàu bay code C, chỉ đáp ứng khai thác các loại máy bay như ATR72 và tương đương như Embraer E190/E195 giảm tải.