Theo thông tin của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ đang lấy ý kiến vào Đề án định hướng huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không; trong đó đề xuất phân cấp quản lý các cảng hàng không thành ba nhóm.
Nhóm một, các cảng hàng không quốc tế quan trọng quốc gia, vùng, gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Long Thành.
Nhóm hai, các cảng hàng không đang hoạt động hỗn hợp hàng không dân dụng và quân sự với vai trò quân sự quan trọng, gồm Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa.
Tương tự nhóm một, nhóm hai cũng do Nhà nước sở hữu và giao ACV quản lý, khai thác, huy động nguồn lực để đầu tư.
Nhóm ba, các cảng hàng không còn lại, gồm Điện Biên, Nà Sản, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo. Nhóm ba được đề xuất phân cấp cho cấp tỉnh quản lý, thông qua việc chuyển quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu các công trình tại các cảng hàng không.
Bộ Giao thông Vận tải đề xuất trước mắt thí điểm phân cấp quản lý sân bay Cát Bi cho UBND TP Hải Phòng; sau này sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi quy định tại Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, để áp dụng với các sân bay còn lại.
Về nguồn lực đầu tư sân bay, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị không huy động vốn xã hội vào các công trình thiết yếu tại sân bay nhóm một và nhóm hai.
Với nhóm ba, ngoài nguồn lực địa phương, Bộ đề nghị huy động nguồn vốn xã hội theo hình thức nhượng quyền đầu tư, khai thác. Với các cảng hàng không mới nằm trong quy hoạch như Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu sẽ huy động nguồn vốn xã hội theo phương thức PPP.
Hải Nam