Đón lực đẩy từ sự phục hồi sớm của thị trường hàng không
11:21 - 01/07/2022
Sự bứt phá ngoạn mục về sản lượng hàng không nội địa trong 6 tháng đầu năm 2022 đang tạo lực nâng đáng kể cho sự phục hồi của các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines.
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026
Thông tin tích cực
Theo công bố của Cục Hàng không Việt Nam (HKVN), thị trường hàng không nội địa Việt Nam hiện có tốc độ phục hồi nhanh nhất thế giới, với đà tăng trưởng lên tới 123% so với cùng kỳ năm 2019. Kết quả này dựa trên phân tích của Airbus và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế - IATA với các chuyến bay trên phạm vi toàn cầu được ghi nhận từ Flightrada 24 and Airbus Estimate.
Trên thực tế, thị trường hàng không nội địa ghi nhận có sự bứt phá trong 6 tháng đầu năm 2022 với lượng hành khách thông qua các cảng hàng không đạt 40,7 triệu khách, tăng 56,8% so với cùng kỳ 2021, trong đó, khách quốc tế đạt 1,8 triệu khách, tăng 904,6%. Khách nội địa đạt 38,9 triệu khách, tăng 52,6%.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN cho biết: dự báo, trong năm 2022, các cảng hàng không trên cả nước sẽ đón khoảng 87,8 triệu khách, tăng 190% so với năm 2021, riêng khách quốc tế dự kiến đạt khoảng 5 triệu khách, tăng 844% và khách nội địa đạt khoảng 82,8 triệu khách, tăng 178,4%.
“Với đà tăng trưởng nói trên của thị trường nội địa, dự kiến tổng thị trường toàn mạng bay sẽ sớm khôi phục tương đương như trước đại dịch Covid-19”, ông Thắng kỳ vọng. Đây thực sự là cú hích mạnh mẽ cho các hãng hàng không Việt Nam có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục trụ vững, tiến tới phục hồi nhanh hơn sau đại dịch bất chấp khó khăn về giá nhiên liệu bay tăng đột biến, tình hình bất ổn về kinh tế, chính trị trên toàn thế giới.
Cần phải nói thêm rằng, các hãng hàng không Việt Nam, trong đó có Vietnam Airlines vừa phải trải qua một năm đặc biệt khó khăn với mạng bay quốc tế thường lệ đi/đến Việt Nam vẫn tiếp tục “đóng băng” trong cả năm 2021. Tại thị trường nội địa, dịch bệnh bùng phát vào hai cao điểm quan trọng của năm 2021 là Tết và Hè, nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội khiến thị trường nội địa năm 2021 giảm mạnh, chỉ đạt 14,6 triệu khách, giảm 61% so 2019 và thấp hơn 47% so dự báo giữa năm. Không chỉ sản lượng khách sụt giảm mạnh trong năm 2021, giá vé bình quân nội địa cũng giảm 34% so cùng kỳ, ảnh hưởng lớn đến việc cân đối chi phí của các hãng bay.
Để thích ứng với vòng xoáy khó khăn chung đó, Vietnam Airlines đã thực hiện các giải pháp điều hành bám sát tình hình dịch bệnh và diễn biến thị trường; tận dụng mọi cơ hội để tăng doanh thu; tiết kiệm, cắt giảm tối đa chi phí; giãn tiến độ thanh toán nợ phải trả (nợ giãn thanh toán cuối năm 2021 lên tới 12.851 tỷ VNĐ); sử dụng linh hoạt hạn mức tín dụng ngắn hạn; đẩy mạnh tái cơ cấu nợ vay trong và ngoài nước (khoảng 3.203 tỷ VNĐ) nhằm góp phần giảm lỗ, duy trì thanh khoản và đảm bảo được cân đối dòng tiền cho các nội dung chi cần thiết nhất để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, Vietnam Airlines đã nhanh nhạy nắm bắt thị trường, tập trung nguồn lực khai thác logistic trong thời điểm vận chuyển hành khách gặp khó khăn. Chỉ tính riêng 3 công ty con của Vietnam Airlines là CTCP Dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NCTS), CTCP Dịch vụ hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) và Công ty TNHH Dịch vụ giao nhận hàng hóa Tân Sơn Nhất (TECS) trong năm 2021 đã thu về trên 1.000 tỷ VNĐ lợi nhuận trước thuế.
Đặc biệt, trong quý 3/2021, Vietnam Airlines cũng đã hoàn thành kịp thời việc việc ký kết hợp đồng vay tái cấp vốn 4.000 tỷ VNĐ và tăng vốn từ phát hành thêm cổ phiếu 7.961 tỷ VNĐ. Điều này giúp Vietnam Airlines có nguồn tài chính quan trọng để thanh toán một phần nợ quá hạn và cải thiện trữ lượng tiền, bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu đáp ứng điều kiện tiếp tục niêm yết trên sàn HOSE.
Đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu
Trên nền tảng thị trường nội địa đã có sự phục hồi rõ nét, nhiều đường bay quốc tế quan trọng đã được nối lại nên trong năm 2022, Vietnam Airlines phấn đấu đạt doanh thu hợp nhất khoảng 59.907 tỷ VNĐ, tăng 201% so với kết quả thực hiện năm 2021. Tuy nhiên trong bối cảnh ảnh hưởng của giá nhiên liệu Jet A1 tăng mạnh, tốc độ phục hồi thị trường quốc tế còn nhiều rủi ro, Vietnam Airlines vẫn sẽ phải đối diện nguy cơ thua lỗ ở mức cao, dòng tiền tiếp tục bị suy giảm và thâm hụt.
Ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines cho biết: “Trong năm 2022, đặc biệt là trong 6 tháng cuối năm, Vietnm Airlines sẽ tiếp tục điều hành SXKD linh hoạt theo diễn biến thị trường, thực hiện các giải pháp đàm phán giảm giá, tiết kiệm, quản trị chi phí, các giải pháp tái cơ cấu tài sản – nguồn vốn để bổ sung thu nhập, dòng tiền và nguồn vốn nhằm mục tiêu cải thiện tối đa kết quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì thanh khoản, duy trì mức vốn chủ sở hữu hợp nhất ở mức dương".
Vietnam Airlines sẽ tập trung vào 3 nhóm giải pháp lớn, có tính khả thi cao bao gồm: thực hiện đồng bộ các giải pháp để nhanh chóng phục hồi và cải thiện hoạt động kinh doanh, giảm tối đa mức lỗ trong hoạt động kinh doanh vận tải trong giai đoạn thị trường chưa phục hồi hoàn toàn (2022-2023) và tiến tới có lãi trong các năm sau; Tái cơ cấu tài sản và danh mục đầu tư tài chính để gia tăng thu nhập, dòng tiền thông qua việc triển khai bán hoặc bán và thuê lại các tàu bay cũ, thoái vốn, chuyển nhượng vốn đối với một số danh mục đầu tư tài chính từ năm 2022-2024; Phát hành cổ phiếu tăng vốn chủ sở hữu dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2023-2024.
“Các giải pháp này sẽ được triển khai sau khi đề án tái cơ cấu Vietnam Airlines giai đoạn 2021-2025 và các chủ trương giải pháp thoái vốn, phát hành cổ phiếu tăng vốn được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, được cổ đông Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông của thông qua” - Ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines thông tin.
Theo VNA