Cải thiện chỉ số bay đúng giờ chuyện không của riêng ai

Cải thiện chỉ số bay đúng giờ chuyện không của riêng ai

12:35 - 09/01/2023

Hạ tầng sân bay quá tải, năng lực phục vụ hạn chế gây nhiều khó khăn cho các hãng hàng không trong việc đảm bảo tỷ lệ bay đúng giờ (OTP - On Time Performance).

Vietjet bay chuyến đầu tiên có sử dụng nhiên liệu bền vững SAF
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026

Cung không đủ cầu dẫn tới vấn đề chậm, huỷ chuyến

Theo số liệu thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, các nhóm nguyên nhân chính gây nên việc chuyến bay bị chậm, trễ chuyến bao gồm: trang thiết bị và dịch vụ tại cảng hàng không không đáp ứng được nhu cầu; công tác quản lý, điều hành bay; thời tiết; hãng hàng không; tàu bay về muộn và các lý do khác.

Trong đó, vấn đề hạ tầng chưa đáp ứng được với sự tăng trưởng “nóng” của thị trường hàng không Việt Nam được các chuyên gia trong ngành đánh giá là nguyên nhân chủ quan.

Theo công bố mới nhất của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), hàng không Việt đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới. Tháng 11/2022, có 8,67 triệu khách thông qua các cảng hàng không, tăng 7% so với tháng 10/2022 và tăng 630% so với cùng kỳ năm trước. So với mức tăng trưởng đột biến này thì cơ sở hạ tầng của ngành hiện đang bị “hụt hơi”, không thể đáp ứng đủ nhu cầu.

Hiện nay, mỗi ngày sân bay Nội Bài đón hơn 600 chuyến bay, tăng khoảng 150 chuyến/ngày so với năm 2019. Còn Tân Sơn Nhất đang phục vụ khoảng 120.000 lượt hành khách đi/đến, tương ứng với hơn 40 triệu lượt hành khách/năm, vượt 1,3 lần so với công suất thiết kế.

Ngoài ra, diện tích mặt đất chật chội, đường bay không đủ để nhiều chuyến bay hạ cánh cùng một lúc. Chẳng hạn như Tân Sơn Nhất chỉ có 83 vị trí đỗ mà có 200 chuyến bay tới cùng lúc thì không thể tránh khỏi tình trạng máy bay phải bay vòng trên trời chờ hạ cánh. Như hiệu ứng domino, chỉ một chuyến bay chờ sẽ kéo theo hàng chục, thậm chí hàng trăm chuyến bay khác bị chậm muộn vì nguyên nhân tàu bay về trễ.

Tình trạng này ngày càng nghiêm trọng khi thị trường xuất hiện thêm hãng hàng không mới, số lượng tàu bay gia tăng và chuyến bay, slot bay được cấp thêm dù năng lực phục vụ thiếu hụt trầm trọng. Đứng trước thực tế trên, việc đảm bảo OTP vượt quá khả năng kiểm soát của các hãng hàng không.

alt text
Vấn đề hạ tầng chưa đáp ứng được với sự tăng trưởng “nóng” của thị trường hàng không Việt Nam được các chuyên gia trong ngành đánh giá là nguyên nhân chủ quan. (Ảnh: VNA).

 

Khi một chuyến bay bị trễ, hãng hàng không phải gánh chịu những thiệt hại vô cùng nặng nề. Về mặt kinh tế, các loại tàu bay tiêu tốn khoảng 100kg nhiên liệu/30 phút chờ dưới mặt đất và nhân lên nhiều lần nếu chờ ở trên không. Điều đó có nghĩa là chi phí nhiên liệu của hãng bay sẽ bị đội lên rất nhiều, nhất là trong bối cảnh giá xăng dầu đang biến động như hiện nay.

Bên cạnh đó, hãng bay còn phải chi trả các khoản phí khác gồm phí sân đỗ, giờ bay của tiếp viên, phi công hay phí phục vụ hành khách... Nếu tính cụ thể, đây sẽ là một con số khổng lồ mà các hãng hàng không đang phải gánh chịu khi tỷ lệ bay đúng giờ bị giảm.

Không chỉ thiệt hại kinh tế, trễ chuyến còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ hành khách nên các hãng hàng không không hề mong muốn OTP bị giảm. Đặc biệt là với hãng sở hữu mạng đường bay dày đặc như Vietnam Airlines.

Cần nỗ lực từ nhiều phía để cải thiện OTP

Để đảm bảo an toàn hàng không và giữ vững chất lượng dịch vụ khách hàng trong cao điểm Tết Nguyên đán 2023, Vietnam Airlines đã chuẩn bị nhiều giải pháp cải thiện tỷ lệ OTP, song nỗ lực một phía từ hãng hàng không là chưa đủ. Trong bối cảnh còn nhiều hạn chế như hiện nay, rất cần sự chung tay của các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Về phía Cục Hàng không Việt Nam, cần kiểm soát chặt chẽ việc tăng thêm hãng bay và số lượng
máy bay, tăng năng lực quản lý điều hành bay, tăng cường hiệu quả công tác quản lý, điều phối slot (giờ cất hạ cánh).

Đối với các cảng hàng không cần điều hành, quản lý chuyến bay phù hợp với năng lực hạ tầng thực tiễn, tối ưu hóa vị trí đỗ, kéo dãn lịch quay đầu tàu bay, hợp lý hóa các khâu làm thủ tục... nhằm hạn chế việc chậm chuyến dây chuyền.

Cùng với đó, cơ quan quản lý bay cũng cần ưu tiên cải thiện công tác điều hành, giãn cách, tổ chức phương thức bay, phương thức tiếp cận phù hợp với tần suất khai thác.

Với những giải pháp phối hợp đồng bộ như vậy, các hãng hàng không nói chung và Vietnam Airlines nói riêng sẽ “rộng đường” hơn trong cuộc đua đúng giờ. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế mà còn vì quyền lợi khách hàng và vì uy tín của ngành hàng không Việt.

Theo VNA