ACV nỗ lực tăng số cảng hàng không có lãi

ACV nỗ lực tăng số cảng hàng không có lãi

10:22 - 25/05/2021

Tổng công ty Cảng hàng không (CHK) Việt Nam (ACV) là doanh nghiệp Nhà nước duy nhất đang quản lý, khai thác 21 CHK, sân bay cả nước. Trước thực tế nhiều tỉnh, thành phố đề xuất bổ sung quy hoạch CHK, sân bay ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐTV ACV đã trao đổi về chiến lược phát triển CHK của ACV trong tình hình mới.

Vietjet bay chuyến đầu tiên có sử dụng nhiên liệu bền vững SAF
ACV hỗ trợ phục vụ Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào
2 tàu bay trong vụ kiện giữa Vietjet Air và FW Aviation đã rời Việt Nam
Khách nước ngoài phản ánh về chất lượng dịch vụ của hãng bay Việt Nam
Bộ GTVT đề xuất lùi thời gian hoàn thành sân bay Long Thành vào năm 2026

Ông Lại Xuân Thanh - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV)

Thưa ông, hiện nay có nhiều sân bay sau khi được đầu tư đưa vào khai thác nhưng chưa mang lại hiệu quả. Tuy nhiên vừa qua, nhiều địa phương vẫn kiến nghị Chính phủ bổ sung vào quy hoạch đầu tư xây dựng sân bay, vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Lại Xuân Thanh: Hệ thống CHK, sân bay thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cơ bản của quốc gia, thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Do vậy, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng trước tiên phải đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, chính trị, quốc phòng - an ninh; sau đó là các yếu tố về hiệu quả tài chính, nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp, xã hội. Để quy hoạch, xây dựng một sân bay cần phải tính toán, đánh giá để đảm bảo vị trí, vai trò của ngành Hàng không trong hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, trong hệ thống nền kinh tế, phù hợp và tương xứng với nhu cầu phát triển, cân đối và gắn kết chặt chẽ với các loại hình giao thông khác.

Hiện nay, cả nước có 21 CHK đang được ACV quản lý, khai thác nhưng theo kết quả kinh doanh năm 2019 khi thị trường chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì có 8 CHK kinh doanh có lãi gồm: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Bài, Phú Quốc, Liên Khương, Buôn Ma Thuột. Về chiến lược lâu dài, ACV hướng đến ngày càng nhiều các CHK hoạt động có lãi.

Được biết, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước cho kết cấu hạ tầng giao thông trong đó có CHK, sân bay còn eo hẹp, ông có thể cho biết ACV đã tính toán như thế nào trong việc sử dụng nguồn vốn đầu tư phù hợp, hiệu quả?

Ông Lại Xuân Thanh: Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lực của ngành Hàng không cũng như của ACV, đòi hỏi ACV tiếp tục đẩy mạnh việc tiết giảm chi phí, tối ưu hóa hệ thống quản lý, khai thác, tăng năng suất lao động. Trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn nhưng ACV vẫn cân đối được nguồn lực để thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, đồng thời đảm bảo nhu cầu đầu tư phát triển tại các CHK khác theo phân kỳ một cách hợp lý; đảm bảo vai trò, vị trí chủ đạo của ACV đối với việc đầu tư xây dựng, quản lý khai thác mạng CHK, sân bay toàn quốc. Riêng đối với dự án CHK quốc tế Long Thành, ACV đảm bảo tối thiểu nguồn vốn doanh nghiệp là 36.000 tỷ đồng (chiếm 38 - 40% tổng mức đầu tư các dự án giao ACV thực hiện). ACV cũng đang xây dựng các phương án vay tài chính trong tiêu chuẩn an toàn để thực hiện Dự án CHK quốc tế Long Thành cũng như một số dự án đầu tư xây dựng mang tính thương mại cao, kể cả phương án kiến nghị Nhà nước cho phép vay bằng đồng đô la từ các ngân hàng thương mại trong nước.

ACV kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho phép ACV thực hiện tăng vốn điều lệ giai đoạn 2021 - 2025 từ nguồn lợi nhuận sau thuế sau khi trích lập các quỹ giai đoạn 2019 - 2025 nhằm hỗ trợ tạo điều kiện ACV tích lũy tối đa dòng tiền từ kinh doanh khai thác kết cấu hạ tầng để tiếp tục sử dụng tái đầu tư vào hạ tầng, giảm áp lực vay nợ, chi phí lãi vay. Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục có những cải cách, đổi mới đối với hệ thống pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý khai thác, huy động nguồn vốn đối với lĩnh vực kết cấu hạ tầng hàng không.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, chiến lược phát triển của ACV trong những năm tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh: Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ACV vẫn chủ động cân đối nguồn lực đảm bảo đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, không làm ảnh hưởng đến chiến lược phát triển chung của ngành GTVT. Chiến lược phát triển 5 năm (2021 - 2025) của ACV tập trung vào bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng, hiện đại hóa nguồn nhân lực, hoàn thiện phương thức hoạt động, chuyển đổi số trong các lĩnh vực; bảo toàn và phát triển vốn, nâng cao giá trị doanh nghiệp.

ACV xây dựng kế hoạch đến năm 2025, định hướng 2030 theo đúng quy định của Nhà nước, bám sát quy hoạch, kế hoạch phát triển của Nhà nước đối với từng CHK. Tổng mức đầu tư các dự án hạ tầng thiết yếu của CHK, sân bay sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025 là gần 176 nghìn tỷ đồng (trong đó xây dựng CHK quốc tế Long Thành là 99 nghìn tỷ đồng), trong đó nhu cầu vốn là 123 nghìn tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2025, tổng công suất thiết kế hành khách thông qua 22 CHK do ACV quản lý, khai thác đạt 168 triệu hành khách/năm, tăng gần gấp 2 lần so với hiện tại.

hinh 2
Những năm gần đây, ACV đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị doanh nghiệp, dần hiện đại hóa hệ thống khai thác

Trong năm 2021, chưa bao giờ ACV lại đồng loạt triển khai hệ thống đầu tư xây dựng cơ bản lớn đến như vậy (kể cả về mặt số lượng dự án, tổng mức đầu tư và kế hoạch giải ngân) gồm: xây dựng CHK quốc tế Long Thành (giai đoạn 1); xây dựng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga T2 Nội Bài, xây dựng nhà ga hành khách CHK Phú Bài, xây dựng CHK Điện Biên...

Đây được xem là giai đoạn bản lề cho sự phát triển vượt bậc của ngành Hàng không, nâng cao sức cạnh tranh thị trường hàng không Việt Nam để trở thành một trong những trung tâm hàng không của khu vực. Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng thị trường hàng không chắc chắn bùng nổ trong giai đoạn hậu Covid-19, ngoài việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng, ACV cũng chủ động kiện toàn hệ thống tổ chức khai thác, nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn hàng không, chất lượng dịch vụ.

Thời gian qua, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý và điều hành doanh nghiệp cũng như đào tạo nguồn nhân lực được ACV triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Lại Xuân Thanh: Những năm gần đây, ACV đã dần hiện đại hóa hệ thống khai thác. Hệ thống camera được đổi mới, đưa vào ứng dụng thiết bị máy soi chiếu an ninh hiện đại, tiên tiến; thành lập trung tâm kiểm soát khai thác tập trung, đưa công nghệ thông tin vào quản lý; check in hành khách, check in tự động... Đây là những dự án nhằm hướng đến mục tiêu tự động hóa, giảm tắc nghẽn hàng không, đồng thời nâng cao hiệu quả sản suất kinh doanh.

Trong điều kiện dịch Covid-19, ACV đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là công tác quản lý tài chính, nguồn nhân lực, quản trị văn phòng, điều hành, giám sát từ xa nhằm tiết kiệm chi phí; khuyến khích các hoạt động nghiên cứu triển khai, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn. Trong năm 2020, việc ứng dụng một số dự án công nghệ thông tin làm lợi cho ACV hàng trăm tỷ đồng.

Về phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2021 - 2025, ACV đang xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào tiêu chuẩn hóa vị trí việc làm; tiêu chuẩn hóa hệ thống đào tạo, huấn luyện ban đầu, định kỳ, nâng cao; kiện toàn hệ thống cơ sở đào tạo, huấn luyện; nâng cao chất lượng tuyển dụng; nghiên cứu đổi mới chế độ lương thưởng, thù lao nhằm khuyến khích người lao động.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo tapchigiaothong.vn