ACV đã giải ngân 11.000 tỷ đồng vào sân bay Long Thành

ACV đã giải ngân 11.000 tỷ đồng vào sân bay Long Thành

10:25 - 05/08/2024

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vừa công bố đạt lợi nhuận sau thuế hơn 6.148 tỷ đồng trong nửa đầu năm nhờ sự phục hồi của thị trường hàng không, đặc biệt là bay quốc tế.

Tỷ lệ bay đúng giờ tăng mạnh sau giai đoạn cao điểm hè
145 chuyến bay bị hủy, không được tiếp nhận do bão số 3 - Yagi
Sân bay Vân Đồn có gió giật cấp 12 do bão Yagi
Ông Lại Xuân Thanh thôi làm Chủ tịch ACV
Lợi nhuận công ty kiểm soát không lưu tăng mạnh

So với cùng kỳ 2023, lợi nhuận của ACV tăng 44% nhờ doanh thu dịch vụ hàng không tăng trưởng 15% lên gần 9.200 tỷ đồng. Lợi nhuận của ACV còn được hỗ trợ bởi doanh thu tài chính tăng trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp giảm do giảm dự phòng các khoản phải thu khó đòi so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhờ khoản lợi nhuận ấn tượng, ACV tiếp tục là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền khổng lồ với hơn 26.000 tỷ đồng tiền gửi tại các ngân hàng. Nửa đầu năm lãi tiền gửi đóng góp 10% tổng lợi nhuận của ACV.

Số tiền này được ACV tích lũy nhiều năm qua nhằm chuẩn bị đầu tư cho dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, có tổng quy mô đầu tư 5,4 tỷ USD.

Phối cảnh cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: ACV.

Theo báo cáo quý II, tổng quy mô giải ngân cho dự án từ khi khởi công đến nay được ghi nhận khoảng 11.000 tỷ đồng bao gồm: Chi phí xây dựng cơ bản khoảng 7.800 tỷ đồng, trả trước cho các nhà thầu ICTAS và Vinaconex khoảng 2.000 tỷ đồng và gần 1.000 tỷ đồng cho trung tâm phát triển quỹ đất huyện Long Thành.

Mới đây, để huy động vốn cho dự án thành phần 3 Long Thành (xây dựng các công trình thiết yếu bao gồm nhà ga hành khách), ACV đã ký hợp đồng tín dụng trị giá 1,8 tỷ USD với 3 ngân hàng Vietcombank, BIDV và Vietinbank. Số tiền này tương đương 33% tổng nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án.

Hiện, hai gói thầu lớn tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.10, thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách và 4.6, thi công xây dựng, lắp đặt thiết bị công trình đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay đều đang vượt tiến độ. Chủ đầu tư dự kiến vận hành thử nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành trong quý I/2026.

Đối với các dự án thành phần còn lại, dự án thành phần 4 bao gồm các dự án nhà ga hàng hóa số 2; nhà ga hàng hóa chuyển phát nhanh; kho giao nhận hàng hóa; khu xử lý vệ sinh tàu bay, khu bảo dưỡng thiết bị mặt đất; hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu; trung tâm điều hành của các hãng hàng không; khu bảo trì tàu bay… đang được triển khai lựa chọn nhà đầu tư dự án.

Ngoài sân bay Long Thành, ACV đang triển khai xây dựng nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và mở rộng nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Để đảm bao nguồn vốn cho các dự án này, ACV sẽ huy động vốn bằng 2 nguồn, gồm tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế và vay thương mại các ngân hàng trong nước.

ACV hiện có tình hình tài chính lành mạnh với tỷ lệ nợ/vốn chỉ 0,25 lần. Quy mô nợ vay khoảng 10.000 tỷ đồng bao gồm chủ yếu các khoản vay bằng đồng yen Nhật từ nguồn vốn ODA với lãi suất thấp, nhằm xây dựng nhà ga quốc tế T2 sân bay Nội Bài và nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất.

Tuy nhiên, với nhu cầu vốn lớn cho các dự án trong thời gian tới, tỷ lệ nợ/vốn của ACV có thể sẽ tăng mạnh, khiến công ty đối mặt với áp lực chi phí tài chính. Tổng công ty đang chờ phê duyệt của cơ quan chức năng để trả cổ tức bằng cổ phiếu và tăng vốn điều lệ nhằm bổ sung vốn cho các dự án.

ACV hiện do nhà nước sở hữu trên 95% cổ phần, là đơn vị sở hữu và điều hành 21/22 cảng hàng không tại Việt Nam. Nguồn thu của ACV đến từ các dịch vụ hành không bao gồm phí cất hạ cánh, dịch vụ mặt đất, phí hành khách, phí đảm bảo an ninh… và các dịch vụ phi hàng không như cho thuê mặt bằng, quảng cáo, cũng như các hạ tầng khác trong khu vực cảng hàng không.

Với đà phục hồi của ngành hàng không sau đại dịch Covid-19, ACV đang đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm gồm nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và nhà ga T2 Nội Bài dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 dự kiến hoàn thành giữa năm 2026.

Các dự án này được kỳ vọng sẽ giảm bớt nút thắt năng lực hiện tại của ngành hàng không Việt Nam và giúp thúc đẩy tăng trưởng hành khách trong dài hạn, giúp ACV tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận.