[19/5] Đoàn bay 919 – Tháng 5 nhớ Bác…

[19/5] Đoàn bay 919 – Tháng 5 nhớ Bác…

13:23 - 19/05/2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ là một vị lãnh tụ suốt đời vì nước, vì dân, trong những ngày Tháng 5 lịch sử này, nhớ về Bác là chúng ta nhớ về tấm gương đạo đức mẫu mực của Người, chúng ta càng không quên tình thương yêu, sự chăm lo, cùng những lời chỉ dẫn của Người, đối với bộ đội Không quân, đối với cán bộ, chiến sĩ và phi công của Trung đoàn 919 năm xưa – tiền thân Đoàn bay 919, VNA ngày hôm nay.

Hàng không Pháp hỗn loạn vì đình công
NASA tìm thấy dấu vết khí metan gần miệng núi lửa trên sao Hoả
Áp dụng kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5
Phi công Đoàn bay 919 và hành trình vượt khó, chinh phục bầu trời
"Không chỉ tại Việt Nam, giá vé máy bay ở các nước trên thế giới đều cao"
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, giáo dục và rèn luyện các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Người từng nói, những người cán bộ, chiến sĩ là những người đang ngày đêm phải chịu nhiều khó khăn, gian khổ, phải vượt qua mọi thử thách để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ nền độc lập của dân tộc, bảo vệ vùng đất, vùng trời của Tổ quốc, nên Người luôn dành tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của mình cho cán bộ và chiến sĩ. Mỗi bước trưởng thành, mỗi chiến công của các lực lượng vũ trang nhân dân đều gắn liền với sự quan tâm, giáo dục, với những lời căn dặn ân cần của Người.

 

Bác Hồ tới thăm và nói chuyện với Đại hội mừng công của Trung đoàn 919 tại sân bay Gia Lâm (1960).

Lịch sử quân đội nhân dân Việt Nam từng in dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của bộ đội phòng không (1/4/1953). Và sau đó, Trung đoàn Không quân đầu tiên của Quân đội Việt Nam  – Trung đoàn Không quân 919 được thành lập vào ngày 01/5/1959, nhân dịp chào mừng kỷ niệm lần thứ 69 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – ngày 19/5/1959.

Ra đời trong thời điểm cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc chuẩn bị  bước vào giai đoạn khốc liệt và mang tính quyết định, bộ đội không quân luôn được Người quan tâm, chăm lo xây dựng và ngày một trưởng thành, cùng với những thắng lợi của đồng bào miền Nam ở tuyến đầu Tổ quốc.

 

Tổ bay Chuyên cơ Li-2 chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ sau chuyến công tác tại Lạng Sơn (1957).

Tình yêu thương bao la của Người dành cho Quân chủng Phòng không – Không quân là nguồn sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn giúp Bộ đội Phòng không – Không quân từng bước trưởng thành, lớn mạnh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đoàn bay 919 – Trung đoàn không quân đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam vinh dự và tự hào được tiếp thu nguồn sức mạnh bao la đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn nửa thế kỷ và đó cũng là hơn 54 năm nhân dân ta kiên định con đường cách mạng do Đảng và Người đã lựa chọn. Giờ đây, nhớ về Người – Người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang, chúng ta nhớ về những kỷ niệm, những bức thư, những lời thăm hỏi, những chỉ dẫn của Người đối với cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam, quân chủng Phòng không- Không quân nói chung và Đoàn bay 919 nói riêng.

Tổ bay Chuyên cơ chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ sau chuyến công tác từ Trung Quốc (Năm 1962).

Lịch sử Trung đoàn năm xưa còn khắc ghi vào tháng 10/1960, Trung đoàn Không quân vận tải 919 tổ chức hội nghị mừng công và nhận được tin báo trực thăng chở Bác Hồ hạ cánh xuống sân bay Gia Lâm, Bác sẽ đến thăm và phát biểu với hội nghị. Sau khi nghe Chính ủy Trung đoàn trình bày những nét chính về đơn vị, về tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ. Bác nói: “Nước ta rồi phải có Không quân hiện đại, phải có những chiến sĩ lái máy bay phản lực. Nhưng bước đầu phải đi từ những cái dễ sử dụng, dần đi lên, để có tinh vi, phức tạp đến đâu cũng có thể nắm được và làm được. Điều cốt yếu là phải động viên dìu dắt anh em cố gắng học hỏi. Muốn học hay, hành giỏi thì điều trước tiên là phải khiêm tốn. Nước ta còn nghèo, máy móc, xăng dầu còn thiếu, anh em phải biết giữ gìn thật tốt và tiết kiệm, đó chính là lòng yêu nước thương dân”…

Kết thúc Hội nghị, Bác dặn dò thêm về tinh thần đoàn kết, hiệp đồng: “trong ngành Hàng không, chỉ có các chiến sĩ lái máy bay thôi thì không đủ. Muốn lái máy bay tốt, an toàn, phải có máy móc tốt. Nghĩa là các chiến sĩ thợ máy phải làm việc giỏi, lại cần có người chỉ huy tài, vạch đường chỉ hướng đúng đắn. Có người báo tin tức thông báo thời tiết chính xác, còn có sân bay sạch sẽ, đường băng quang quẻ… nên các cô chú phải thương yêu, cùng nhau đồng lòng, góp sức làm tốt nhiệm vụ”.

 

Chuyên cơ đưa Bác Hồ về thăm quê Nghệ An (1961).

Một niềm vinh dự, tự hào của cán bộ, chiến sĩ và phi công Đoàn bay 919 là được thực hiện trọng trách bay chuyên cơ chuyên chở các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quân đội đi công tác. Trong đó, vinh dự thiêng liêng và niềm tự lớn lao là phục vụ chuyên cơ Bác Hồ. Mỗi chuyến chuyên cơ là một dịp cán bộ, chiến sĩ và phi công Đoàn bay được tiếp nhận từ Người tình cảm, sự quan tâm và những bài học, định hướng, các chỉ bảo ân cần, thiết thực, không thể nào quên: “Sau này, đất nước ta chắc chắn sẽ có những sân bay hiện đại, hàng không Việt Nam sẽ phát triển, các chú phải cố gắng học tập, nắm vững khoa học kỹ thuật” (Ngày 16/6/1957, chuyên cơ Li-2 tại sân bay Vinh – Đồng Hới)…

Đáp lại tình cảm và tấm lòng yêu thương của Người, cán bộ, chiến sĩ và phi công Đoàn bay 919  đã đạt nhiều thành tích trong chiến đấu, rèn luyện và học tập. Đặc biệt, lực lượng phi công vận tải của Đoàn bay 919 đã ghi những chiến công đầu cho Không quân nhân dân Việt Nam: Chiến công đầu trên mặt trận không đối không (16/2/1964), Chiến công đầu trên mặt trận không đối biển (07/3/1966), Chiến công đầu trên mặt trận không đối đất (12/1/1968). Đánh giá những đóng góp của cá nhân và tập thể Đoàn bay 919 trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng tổ quốc, ngày 22/12/1994, Nhà nước đã quyết định phong tặng Đoàn bay danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đáng tự hào nhiều gương mặt phi công quả cảm của Trung đoàn 919 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân. Đó là liệt sĩ Phan Như Cẩn – phi công chiến đấu AN-2, phi công Nguyễn Văn Ba chiến đấu T-28, kỹ sư Nguyễn Tường Long chuyên trách cải tiến, trang bị vũ khí cho máy bay.

 

Tổ bay của phi công Phan Như Cẩn chụp ảnh kỷ niệm với Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Phủ Chủ tịch nhân dịp báo công ghi chiến công đầu cho mặt trận “không đối biển” (tháng 6/1966).

Nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh nhật Bác ((19/5/1890 – 19/5/2023) nhớ về Bác là chúng ta nhớ về tấm gương đạo đức mẫu mực của Người, chúng ta càng không quên tình thương yêu, sự chăm lo, cùng những lời chỉ dẫn của Người, đối với bộ đội Không quân, đối với cán bộ, chiến sĩ và phi công của Trung đoàn 919 năm xưa –  tiền thân Đoàn bay 919, VNA ngày hôm nay. Khắc ghi lời Bác, gần 65 năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, phi công và nhân viên Đoàn bay 919 đã có những đóng góp, hy sinh và cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa Hàng không nước nhà, góp phần quan trọng vào sự phát triển của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, xây dựng thương hiệu Vietnam Airlines trên thị trường quốc tế.

 

Quyết tâm xây dựng Đảng bộ Đoàn bay ngày càng trong sạch, vững mạnh; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và xây dựng Đoàn bay 919 ngày càng phát triển bền vững. Đó chính là hành động thiết thực tiếp tục lan tỏa sâu rộng, thấm dần hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

“Nhớ về Bác lòng ta trong sáng hơn”, nhớ về Bác, tập thể Đoàn bay 919 được tiếp thêm nguồn động lực, quyết tâm xây dựng Đảng bộ Đoàn bay ngày càng trong sạch, vững mạnh; quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và xây dựng Đoàn bay 919, VNA ngày càng phát triển bền vững. Đó chính là hành động thiết thực tiếp tục góp sức cùng Đảng bộ TCT, Đảng bộ Đoàn bay 919 lan tỏa sâu rộng, thấm dần hơn nữa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Theo VNA