VNA kiến nghị 4 giải pháp phát triển du lịch tại Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023
10:31 - 18/03/2023
Tham dự Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển” sáng ngày 15/3, TGĐ Lê Hồng Hà đã có những chia sẻ về tình hình hồi phục của ngành hàng không, những thách thức phải đối mặt của VNA nói riêng và ngành hàng không nói chung. Bên cạnh đó, TGĐ cũng kiến nghị một số giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết hàng không – du lịch, góp phần mở rộng thị trường khách quốc tế vào Việt Nam.
VATM điều hành an toàn 70.259 lần chuyến bay trong tháng 5
Khánh thành Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên
Cục Hàng không và VABA tổ chức gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn 2024
Lãnh đạo Cục Hàng không tiếp Đại sứ Cộng hòa Armenia
Sáng 15/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi – tăng tốc phát triển”. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đồng chủ trì hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hàng không, các chuyên gia, cơ quan truyền thông.
Ngày 15/3/2022 là dấu mốc quan trọng của du lịch Việt Nam, nỗ lực trở lại sau thời gian dài "ngủ đông" do dịch COVID-19. Đến tháng 3/2023, một năm sau dấu mốc này, du lịch Việt Nam đã gặt hái được thành công nhất định, nhất là "bùng nổ" du lịch nội địa.
Mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Toàn ngành đã có cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau COVID-19.
Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,7 triệu lượt người, tổng thu từ khách du lịch đạt 495 nghìn tỷ đồng (vượt trên 23% so với kế hoạch năm 2022). Chỉ số về năng lực phát triển du lịch của Việt Nam tăng 8 bậc so với năm 2019, xếp hạng 52/117 nền kinh tế. Với 6/17 chỉ số trụ cột được xếp vào nhóm dẫn đầu thế giới, du lịch Việt Nam là một trong ba nước có mức tăng trưởng cao nhất.
Tuy vậy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn cần khắc phục. Tại Hội nghị, các đại biểu cùng thảo luận tình hình ngành du lịch, các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề ra các giải pháp để ngành du lịch "cất cánh".
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Nhìn lại những năm phòng, chống dịch vừa qua, ngành du lịch bị thiệt hại nặng nề. Mặc dù là nước đông dân, đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, song Việt Nam là nước chống dịch và kiểm soát dịch bệnh tốt, mở cửa sớm. Tuy nhiên, so các nước trong khu vực, năm 2022, chúng ta chưa đạt mục tiêu thu hút khách du lịch. Do đó, Hội nghị này được tổ chức nhằm nhìn lại việc phát triển ngành du lịch thời gian qua, đánh giá những việc đã làm được, chưa làm được, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam, đưa ra nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới để vượt qua những khó khăn, biến nguy thành cơ, tận dụng những kinh nghiệm, thời cơ đã có, phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước và của ngành du lịch so với các nước trong khu vực, thế giới để phát triển nhanh và bền vững”.
Tham gia Hội nghị, thay mặt VNA, TGĐ Lê Hồng Hà đã trình bày tham luận “Tăng cường liên kết hàng không – du lịch để mở rộng thị trường khách quốc tế vào Việt Nam”. TGĐ Lê Hồng cho biết, trong giai đoạn hậu COVID-19, hàng không Châu Á được đánh giá là vùng trũng, tốc độ tăng trưởng chậm nhất so với các khu vực trên thế giới và thua lỗ. Năm 2022 thế giới lỗ 6,9 tỷ USD, khu vực Châu Á lỗ 8,9 tỷ USD, năm 2023 thế giới dự kiến lãi 4,7 tỷ USD, khu vực châu Á lỗ 6,6 tỷ USD.
Với ngành hàng không Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm nay, vận tải hàng không nội địa tăng 12,5% so với năm 2020, đây là chỉ số tốt, tiếp đà tăng trưởng năm 2022 vừa qua. Mặc dù tốc độ tăng trưởng không bằng năm trước, nhưng đây cũng là kết quả tốt, vì vậy, phải tiếp tục quan tâm hạ tầng, cảng hàng không sân bay, đảm bảo không quá tải đối với các ga hàng hóa nội địa.
Đối với vận tải hàng không quốc tế, 2 tháng đầu năm 2023 tốt hơn nhiều so với năm 2022, đã quay về 64% so với trước dịch. Trong giai đoạn hậu COVID, các hãng hàng không Việt Nam cũng như VNA đã theo sát chính sách mở cửa của chính phủ các nước, đặc biệt tuân thủ chính sách phòng chống dịch bệnh và kịp thời mở lại các đường bay khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được ban hành.
Cho đến nay, tất cả các hãng hàng không Việt Nam, trong đó có VNA đã mở lại tất cả các đường bay quốc tế, trong đó mở thêm 2 thị trường mới trong giai đoạn dịch bệnh đó là thị trường Ấn Độ và thị trường Mỹ thông qua các đường bay thẳng. Tuy nhiên khách du lịch quốc tế vẫn thấp nên hệ số sử dụng ghế của các hãng hàng không Việt Nam trên các đường bay quốc tế chỉ đạt 60-64%.
Theo TGĐ Lê Hồng Hà, vì ngành hàng không có mối liên kết chặt chẽ và mạnh mẽ với ngành du lịch, vì thế cần có những chương trình thống nhất, bài bản, dài hạn. Để làm được việc này rất cần sự dẫn dắt của Chính phủ để thống nhất chương trình hành động. Trên cơ sở đó, VNA đề xuất một số giải pháp.
Thứ nhất, cần chào đón khách du lịch bằng chính sách xuất nhập cảnh thông thoáng (mở rộng chính sách miễn visa, những chính sách thuận lợi về E-visa, mở rộng thời gian lưu trú cho khách tại Việt Nam...).
Thứ hai, cần thiết có Chương trình quốc gia về du lịch. Kiến nghị có Tổ công tác của Thủ tướng về du lịch quốc gia để đẩy mạnh sự phục hồi, tăng tốc phát triển và tập trung cạnh tranh quốc gia về điểm đến.
Thứ ba, tập trung mạnh hơn nữa xúc tiến và quảng bá du lịch, huy động các nguồn lực với sự tham gia các bộ, ngành. Năm 2023, kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam với rất nhiều nước trên thế giới, trong đó đây đều là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam. Bám vào chương trình này chúng ta tổ chức nhiều hoạt động quảng bá và thúc đẩy du lịch Việt Nam trong năm 2023.
Thứ tư, tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp hàng không, du lịch để các đơn vị này tập trung đầu tư cho các hoạt động hàng không và du lịch nhằm tăng chất lượng dịch vụ. Sẵn sàng đầu tư đa dạng các sản phẩm dịch vụ, sản phẩm du lịch Việt Nam để đáp ứng dc yêu cầu, nhu cầu của thị trường trong thời gian tới.
Bên cạnh phần tham luận của TGĐ Lê Hồng Hà, đại diện các bộ, ngành, hiệp hội, các doanh nghiệp cũng có nhiều ý kiến đóng góp nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại, qua đó hiện thực hóa mục tiêu đẩy mạnh hơn nữa du lịch trong năm 2023 và các năm tiếp theo để du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, các bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội, người dân phải chung tay phát triển ngành du lịch, tìm ra hướng đi phù hợp trên cơ sở điều kiện, hoàn cảnh đặc thù của đất nước, linh hoạt, không máy móc. Thủ tướng gợi ý nên chăng có phong trào chung tay xây dựng đất nước xanh, sạch, đẹp để phát triển kinh tế-xã hội và du lịch nhanh, bền vững.
Sau hội nghị này, Chính phủ dự kiến ban hành một Nghị quyết để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, tương tự như các nghị quyết sau các hội nghị của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc bảo đảm thuốc, vật tư y tế… Chính phủ sẽ triển khai các công việc thuộc thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Trong giai đoạn mới, Thủ tướng tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân, sự hỗ trợ và hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, góp phần quan trọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.
Theo VNA