NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI SỰ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG VIỆT NAM SAU DỊCH BỆNH COVID 19
19:41 - 16/09/2022
Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Hàng không Việt Nam – VIAE 2022 vừa diễn ra, TS. Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam đã có tham luận với chủ đề "NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI SỰ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG VIỆT NAM SAU DỊCH BỆNH COVID 19".
VATM điều hành an toàn 70.259 lần chuyến bay trong tháng 5
Khánh thành Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên
Cục Hàng không và VABA tổ chức gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn 2024
Lãnh đạo Cục Hàng không tiếp Đại sứ Cộng hòa Armenia
NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI SỰ PHỤC HỒI VÀ PHÁT TRIỂN CỦA NGÀNH HÀNG KHÔNG VIỆT NAM SAU DỊCH BỆNH COVID 19
PGS. TS. Nguyễn Văn Phúc, Viện Kinh tế- xã hội và công nghệ
TS. Bùi Doãn Nề, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam
Giao thông hàng không Việt Nam tăng cùng chiều với mức độ hội nhập kinh tế quốc tế. Tới năm 2019, hàng không Việt Nam liên tục tăng trưởng cao, có 72 hãng hàng không quốc tế và 4 hãng không Việt Nam khai thác hơn 200 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến từ 25 quốc gia/vùng lãnh thổ đến 8 điểm ở Việt Nam. Tổng số sân bay ở Việt Nam ở thời điểm đó là 22.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư tỉnh ủy Đồng Nai và ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cùng lãnh đạo VABA và các đại biểu tham dự Triển lãm Quốc tế Hàng không Việt Nam – VIAE 2022.
Dịch bệnh Covid 19, bắt đầu xuất hiện ở Việt Nam từ tháng 02/ 2020, đã cắt đứt đà phát triển của ngành hàng không Việt Nam, có lúc làm cho hoạt động bình thường của ngành gần như ngừng trệ hoàn toàn. Từ đầu năm 2022, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, những hạn chế đi lại được dỡ bỏ, phương thức kiểm soát dịch bệnh được điều chỉnh và việc tiêm phòng được triển khai rộng rãi làm cho ngành hàng không được phục hồi, thậm chí đã có sự phát triển nhất định.
Trong bối cảnh môi trường hoạt động có những biến động khó lường, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chủ yếu sau đây:
- Những xung đột khu vực vừa hạn chế việc phục hồi các đường bay quốc tế mà trước đây Việt Nam đã khai thác khá hiệu quả, đồng thời buộc các đường bay quốc tế đã được mở trở lại phải điều chỉnh, bay vòng xa hơn, vừa có tác động tiêu cực trực tiếp tới các hãng hàng không, đồng thời ảnh hưởng bất lợi gián tiếp tới các doanh nghiệp có liên quan khác trong và ngoài ngành hàng không.
- Giá xăng dầu tăng nhanh và biến động khó lường khiến chi phí hoạt động của tất cả các doanh nghiệp ngành hàng không, đồng thời cũng làm tăng rủi ro gián đoạn nguồn cung khi các biện pháp cấm vận đối với các mặt hàng xăng dầu được thực hiện chặt chẽ hơn.
- Dịch bệnh kéo dài ở Việt Nam khiến thu nhập của dân cư giảm, làm giảm khả năng thanh toán cho phương tiện đi lại bằng đường hàng không, mặc dù nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của dân cư vẫn lớn.
- Nhiều nước vẫn thận trọng trong việc mở cửa bầu trời, cho phép mở lại các đường bay quốc tế, đặc biệt là một số nước có đông khách đến Việt Nam.
- Cơ sở hạ tầng của ngành hàng không và liên quan tới vận chuyển hàng không ở trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, chưa được điều phối tốt và năng lực vốn chưa đáp ứng nhu cầu nhưng vẫn chưa được khai thác tốt; các dự án xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng được triển khai chậm và tiến độ thực hiện chúng chưa được cải thiện đáng kể.
- Dịch bệnh có thể bùng phát trở lại ở một số khu vực, đặc biệt là Tây Âu và Mỹ, những thị trường có đông khách tới Việt Nam và khách từ các quốc gia này thường có sức mua lớn hơn so với nhiều quốc gia khác.
Để thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển trở lại ngành hàng không, các doanh nghiệp hàng không Việt Nam cần nỗ lực và đóng vai trò là chủ thể trực tiếp, nhưng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là những giải pháp sau:
Một là, đánh giá một cách có hệ thống và toàn diện tác động của dịch bệnh Covid 19 tới toàn bộ xã hội và nền kinh tế quốc dân nói chung, ngành hàng không và các hãng hàng không nói riêng, đồng thời đánh giá một cách tổng hợp và toàn diện các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, những chính sách của Nhà nước nhằm thực hiện “nhiệm vụ kép” (kiểm soát dịch bệnh và phát triển kinh tế).
Hai là, đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường của ngành hàng không Việt Nam. Nhìn tổng thể, thị trường của ngành hàng không Việt Nam đã có tính cạnh tranh ngày càng cao, nhưng ở một số phân khúc thị trường, mức độ cạnh tranh còn rất thấp, thậm chí mức độ độc quyền còn khá cao.
Ba là, phát triển cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không ở Việt Nam theo hướng đồng bộ hóa và tạo lập, duy trì, cải thiện sự kết nối trong hệ thống giao thông vận tải (giữa đường bộ, đường sắt, đường thủy với đường hàng không) và kéo dài các mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành hàng không.
Bốn là, phát triển nhân lực cho ngành hàng không.
Năm là, nâng cấp và mở rộng có trọng điểm cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành hàng không, đặc biệt là nâng cấp, bổ sung, mở rộng những hạng mục cơ bản thuộc kết cấu hạ tầng của ngành như nâng cấp hệ thống đường băng ở những sân bay có lưu lượng hành khách lớn, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ bảo trì, bảo dưỡng máy bay và thiết bị kỹ thuật của ngành hàng không, nâng cấp hệ thống theo dõi, kiểm soát không lưu và điều hành bay.
Sáu là, hoàn thiện hệ thống các quy định pháp lý, đảm bảo tính tương thích giữa các quy định thuộc các lĩnh vực khác nhau có liên quan tới ngành hàng không.