Kích hoạt hợp tác Hàng không Việt Nam - Trung Quốc
12:41 - 21/03/2023
Thực hiện chương trình công tác tại Trung Quốc, Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hòa đã có nhiều cuộc gặp và trao đổi với Chủ tịch các hãng hàng không Trung Quốc nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam và Trung Quốc nối lại hoàn toàn từ ngày 15/3/2023.
VATM điều hành an toàn 70.259 lần chuyến bay trong tháng 5
Khánh thành Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên
Cục Hàng không và VABA tổ chức gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn 2024
Lãnh đạo Cục Hàng không tiếp Đại sứ Cộng hòa Armenia
Đến thăm và làm việc với lãnh đạo hãng hàng không China Southern (CZ), Chủ tịch Ma Xulun vui mừng được đón tiếp Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa và đoàn công tác. CZ là hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc, hiện nay hãng vận hành gần 700 tàu bay, trước đại dịch khai thác đến 208 điểm đến và là hãng hàng không xếp thứ 4 thế giới về lượng khách vận chuyển và đứng đầu châu Á về quy mô, doanh thu và lượng khách vận chuyển.
Trao đổi với Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà và đoàn công tác VNA về tình hình của CZ, ngài Ma Xulun cho biết cũng như các hãng hàng không trên thế giới, CZ cũng chịu thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19. Trong năm 2021, CZ lỗ 12,1 tỷ nhân dân tệ (1,7 tỷ USD) và 30,3 tỷ nhân dân tệ (4,3 tỷ USD) năm 2022. Tuy nhiên, hãng đang kì vọng lớn vào sự phục hồi khi Trung Quốc đang dần mở cửa. Tính đến thời điểm tháng 3/2023, CZ đã khai thác đến 174 điểm đến nội địa và 47 điểm đến quốc tế tại 39 quốc gia.
Chia sẻ với những khó khăn của CZ, và thông tin với Chủ tịch Ma Xulun về tình hình thị trường Hàng không Việt Nam, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa nêu rõ, thị trường HK nội địa Việt Nam đã có những phục hồi ấn tượng, mặc dù thị trường Quốc tế đang chậm hơn song nhận định với việc Trung Quốc mở cửa hoàn toàn với du lịch Việt Nam sẽ là tiền đề để khôi phục hoàn toàn dung lượng vận chuyển giữa 2 nước, qua đó góp phần thúc đẩy thị trường hàng không Quốc tế của Việt Nam.
Về hợp tác giữa 2 Hãng, Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà mong muốn thông qua chuyến công tác, 2 bên triển khai nhanh chóng các thỏa thuận hợp tác toàn diện đã ký. Cụ thể: sớm lập các tổ công tác để triển khai liên doanh trên đường bay giữa 2 nước, sớm phục hồi sản lượng vận chuyển liên doanh của 2 hãng như giai đoạn trước dịch và cần tìm kiếm các giải pháp để phát triển hơn nữa.
Lãnh đạo hai hãng, nhất trí giao các đơn vị của VNA và CZ triển khai các công việc cụ thể theo tinh thần chung. Đó là cam kết ưu tiên sử dụng dịch vụ của nhau và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực tại các sân bay mà VNA và CZ có thế mạnh, trong đó trước mắt là dịch vụ kỹ thuật ở sân bay Quốc tế Đại Hưng, dịch vụ suất ăn và dịch vụ hàng hoá tại sân bay Nội Bài.
Việc ưu tiên lựa chọn dịch vụ giữa VNA và CZ trên cơ sở lợi ích hài hoà, cố gắng cung ứng dịch vụ ở chất lượng cao với giá thành ưu đãi cho các bên nhằm mang lại hiệu quả chung của hai hãng.
Sẵn sàng cho việc khai thác tại Sân bay quốc tế Đại Hưng
Tiếp theo, đoàn VNA cùng với đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát tại sân bay quốc tế Đại Hưng. Đây là sân bay mới của Thủ đô Bắc Kinh, sân bay Đại Hưng dự kiến sẽ phục vụ 120 đến 200 triệu lượt hành khách mỗi năm.
Theo đó, VNA đang triển khai các bước để khai thác tại sân bay Đại Hưng từ tháng 05/2023, nhằm tăng cường kết nối thủ đô Bắc Kinh với các thành phố tại Việt Nam. Đoàn cũng đã khảo sát các cơ sở phục vụ mặt đất, hangar, trung tâm điều hành khai thác. Tất cả các cơ sở đều được đầu tư bài bản, hiện đại, các dịch vụ đều ở tiêu chuẩn cao, hứa hẹn phục vụ tốt nhu cầu của hành khách đi/đến Bắc Kinh.
Đoàn VNA cùng với đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp đã tiến hành khảo sát tại sân bay quốc tế Đại Hưng. (Ảnh: VNA).
Chia sẻ về kinh nghiệm tái cơ cấu cùng Tập đoàn HK Trung Quốc
Nhằm tìm hiểu hoạt động tái cơ cấu, tái cấu trúc của ngành Hàng không Trung Quốc sau đại dịch, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa đã có buổi làm việc cùng ông Mã Sùng Hiền - Chủ tịch Tập đoàn hàng không Trung Quốc (CNAH).
Là một tập đoàn đa ngành với hoạt động cốt lõi là vận tải Hàng không, hiện Tập đoàn CNAH sở hữu hãng hàng không Quốc gia Trung Quốc: Air China và hãng hàng không Air Macau. Vận tải hành khách hàng không, hàng hóa và logistic là hai hoạt động kinh doanh cốt lõi của CNAH.
Bên cạnh đó, CNAH cũng đầu tư mạnh vào các lĩnh vực liên quan như bảo dưỡng máy bay, suất ăn, nhà ga hàng hóa, phục vụ mặt đất, dịch vụ sân bay mà còn cả các ngành dịch vụ mở rộng như dịch vụ tài chính, du lịch, xây dựng, CNTT...
Đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch, tuy nhiên nhờ nhiều gói hỗ trợ trực tiếp bằng tiền và các hỗ trợ tín dụng của Chính phủ với ngành hàng không, Air China đã từng bước vượt qua khó khăn.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo VNA và CNAH chia sẻ về kinh nghiệm tái cơ cấu của doanh nghiệp sau đại dịch và nhất trí giao các cơ quan chuyên môn sớm trao đổi, tìm các giải pháp hợp tác trong các mảng về dịch vụ sửa chữa, dịch vụ mặt đất tại các sân bay 2 bên có lợi thế.
Chủ tịch Mã Sùng Hiền cũng trực tiếp đưa Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa đến thăm quan Trung tâm điều hành khai thác, trung tâm khẩn nguy của Air China. Hiện hãng đang bay tới 131 điểm đến nội địa và 42 điểm đến quốc tế tại 36 quốc gia với đội bay gồm 485 tàu và luôn được đánh giá rất cao về an toàn khai thác. Các kinh nghiệm trong quản lý, quy trình ra quyết định tại các trung tâm của Air China là những gợi ý hay cho VNA trong điều hành khai thác.
Xen kẽ với các lịch tiếp lãnh đạo các hãng và doanh nghiệp lớn tại Trung Quốc, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa cũng đã có các buổi gặp với các doanh nghiệp lữ hành, tổng đại lý hàng hóa lớn của VNA tại thị trường Trung Quốc nhằm chia sẻ mục tiêu, kế hoạch, mong muốn của VNA... Chủ tịch cũng yêu cầu các công ty, đại lý cần tập trung cao độ, nỗ lực hết sức để tăng cường hoạt động bán cho VNA, góp phần mang lại lợi ích cho các bên khi thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm dịch bệnh.
Góp phần tăng cường phát triển doanh nghiệp nhà nước Việt Nam- Trung Quốc
Là hoạt động chính của chương trình công tác, ngày 18/3, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Việt Nam và Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc đã tổ chức buổi đối thoại giữa lãnh đạo hai Ủy ban và các nhà lãnh đạo cao cấp của các doanh nghiệp hai nước về mục tiêu chia sẻ phương thức cải cách, phát triển doanh nghiệp nhà nước Việt Nam- Trung Quốc.
VNA là đại diện duy nhất trong số 19 tổng công ty, tập đoàn nằm trong Ủy ban được lựa chọn phát biểu. Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa đã có bài phát biểu báo cáo về tình hình khôi phục của VNA, sứ mệnh kết nối giao thương giữa 2 nước của VNA. Đồng thời Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà chia sẻ về một số phương thức hợp tác của VNA với các doanh nghiệp thuộc Ủy ban quản lý và giám sát tài sản nhà nước Trung Quốc. Từ đó lãnh đạo 2 Ủy ban ủng hộ và đồng hành với VNA trên chặng đường khôi phục và phát triển tại thị trường Trung Quốc.
Ngày 19/3, dưới sự tham gia của Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nguyễn Hoàng Anh, đại diện Đại sứ quán Việt Nam Trung Quốc, Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa đã cùng cắt băng cho sự kiện mở lại đường bay Bắc Kinh - Hà Nội. Đây là chuyến bay thường lệ đầu tiên sau 3 năm đường bay bị đóng cửa bởi đại dịch, đánh dấu việc kích hoạt tiềm năng của một trong những thị trường trọng điểm của VNA.
Chuyến công tác của Chủ tịch Đặng Ngọc Hòa là bước khởi đầu quan trọng cho việc hợp tác giữa VNA và các đối tác, đồng thời hứa hẹn sự quay trở lại mạnh mẽ của thị trường Hàng không Việt Nam - Trung Quốc.
Theo VNA