Các Doanh nghiệp vốn góp: Sẵn sàng cho năm 2022 – năm bản lề khi thị trường khởi sắc
10:26 - 18/10/2021
Chuyên gia đánh giá Việt Nam sẽ cần 4.000 kỹ sư hàng không
VATM điều hành an toàn 70.259 lần chuyến bay trong tháng 5
Khánh thành Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên
Cục Hàng không và VABA tổ chức gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn 2024
Lãnh đạo Cục Hàng không tiếp Đại sứ Cộng hòa Armenia
Tham dự Hội nghị gồm có Thành viên HĐQT, Ban kiểm soát TCT, các PTGĐ, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cùng Người đại diện, Kiểm soát viên của TCT và Tổng giám đốc tại các công ty con, công ty liên kết.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PTGĐ Trịnh Hồng Quang khẳng định, 9 tháng đầu năm 2021, các công ty con, công ty liên kết của TCT (các DNVG) đã thực hiện rất tốt công tác phòng chống dịch, hết sức nỗ lực điều hành SXKD trong điều kiện dịch bệnh bùng phát trên diện rộng, ngoài dự báo (nhất là các doanh nghiệp phía Nam, nhiều lao động bị nhiễm Covid, môi trường làm việc có nguy cơ lây nhiễm rất cao). Mặc dù 9 tháng đầu năm một số DNVG chưa đạt được các mục tiêu đề ra song kết quả đạt được là rất đáng khích lệ, thể hiện bản chất của VNA Group – luôn đứng vững trong mọi khó khăn để tìm ra các giải pháp khắc phục và vươn lên phía trước.
Luôn nỗ lực vượt qua khó khăn, đứng vững và phát triển
Theo báo cáo tổng kết của Trưởng ban ĐTMS - Ông Lê Đức Cảnh, trong 9 tháng đầu năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh và diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của TCT và DNVG. Hoạt động khai thác quốc tế vẫn chỉ tập trung vào nhóm khách hồi hương và chuyên gia. Khách tổng thị trường đạt 332 nghìn lượt, bằng 5,3% cùng kỳ. Tại thị trường nội địa, Covid-19 tái bùng phát vào cuối năm 2020, cao điểm Tết 2021 và từ cuối tháng 4 đến nay làm nhu cầu đi lại giảm sút. Đặc biệt từ tháng 7, nhiều địa phương thực hiện giãn cách theo CT16 để phòng chống dịch nên hoạt động chở khách gần như đóng băng. Khách tổng thị trường đạt 12,9 triệu lượt, bằng 64,4% cùng kỳ trong khi đó giá nhiên liệu tăng dần qua các tháng.
Dịch bệnh đã tác động dây chuyền đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng hoá dịch vụ, suy giảm hiệu quả SXKD và tác động mạnh đến tình hình tài chính các DNVG, gây thiếu hụt dòng tiền và làm tăng nợ (cả nợ phải thu và phải trả).
Trước những khó khăn chưa từng có, các DNVG đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp tăng doanh thu, giảm chi phí, cắt giảm tối đa các dự án đầu tư và cố gắng cân đối dòng tiền để đáp ứng nhu cầu SXKD, tạm ứng cổ tức, lợi nhuận cho cổ đông, thành viên góp vốn. Đồng thời thực hiện chính sách chiết khấu, giảm giá, giãn, hoãn thanh toán để chia sẻ khó khăn cùng TCT vượt qua đại dịch. Trong đó, các doanh nghiệp phục vụ hàng hóa là điểm sáng của khối các DNVG với doanh thu, lợi nhuận vẫn duy trì ở mức cao nhờ việc khai thác tối đa các cơ hội kinh doanh của thị trường và mở rộng thêm dịch vụ phụ trợ.
Tuy nhiên, do dịch bệnh bùng phát kéo dài và ảnh hưởng nặng nề ngoài dự báo khi xây dựng kế hoạch nên kết quả hoạt động SXKD 9 tháng đầu năm 2021 của nhiều doanh nghiệp chưa đạt được mục tiêu đề ra, trong đó có 8/19 doanh nghiệp chưa cân đối được thu chi, 11/19 doanh nghiệp có lãi gồm: SKYPEC, TCS, NCTS, TECS, VINAKO, AIRIMEX, AITS, ALSIMEXCO, SABRE, VFT và VALC.
Kết quả tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm của 17 doanh nghiệp (không tính PA và K6) lãi 918 tỷ đồng, tăng lãi 40,9 tỷ đồng (chủ yếu do các doanh nghiệp phục vụ hàng hóa hoàn thành vượt mức kế hoạch), tương ứng đạt 105% KH phân kỳ 9 tháng.
Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của HĐQT TCT và kết luận của Chủ tịch HĐQT, TGĐ tại Hội nghị Giao ban khối các DNVG tháng 6/2021, các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng chương trình Chuyển đổi số; Ưu tiên đầu tư các dự án ứng dụng CNTT, Sử dụng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ trong nội bộ các doanh nghiệp VNA Group… đã và đang được triển khai theo đúng chỉ đạo và định hướng của TCT.
Điển hình là Trung tâm BSV đã phối hợp với NCS bán sản phẩm bánh trung thu đến các hội viên BSV và dự kiến tiếp tục hợp tác bán các sản phẩm của NCS thông qua chương trình đổi điểm trên Lotusmall, hợp tác với AIRIMEX bán các sản phẩm của VNA thông qua chương trình đổi điểm trên Lotusmall; Các doanh nghiệp và cơ quan TCT đã sử dụng sản phẩm gói quà tết, bánh trung thu của NCS; Sử dụng sản phẩm CNTT của AITS; NCS và VACS phối hợp bán các sản phẩm của NCS trong khu vực phía Nam.
Việc triển khai gói hàng hoá dịch vụ bán chung (dịch vụ kỹ thuật, mặt đất, xăng dầu, suất ăn, hàng hóa) với các Hãng HK bay tới Việt Nam đã bước đầu triển khai nhưng cần đẩy mạnh và quyết liệt hơn nữa nhằm cung cấp gói dịch vụ với chất lượng tốt và giá cạnh tranh để giữ các khách hàng hiện tại và có thêm khách hàng mới.
Về tình hình tài chính. Tại Hội nghị, Trưởng Ban TCKT Trần Thanh Hiền nhấn mạnh, tình hình tài chính tại nhiều DNVG hiện đang gặp khó khăn do suy giảm kết quả kinh doanh, dòng tiền thiếu hụt và tăng nợ.
Trong năm 2022, đi đôi với mục tiêu thực hiện tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, cơ cấu lại tổ chức, lao động, các DNVG cần tập trung nghiên cứu các giải pháp tài chính để tái cơ cấu khoản vay, tái cơ cấu tài sản, sử dụng các công cụ tài chính để thoát lỗvà âm vốn chủ sở hữu tại một số doanh nghiệp, đồng thời tiếp tục đàm phán với các đối tác để được giảm giá dịch vụ, giãn hoãn thanh toán, cân đối dòng tiền để đảm bảo nhu cầu cho hoạt động SXKD.
Về việc sử dụng lao động và chính sách tiền lương. Trong thời gian qua, các DNVG đã có nhiều cố gắng trong việc cơ cấu lại lao động, điều tiết và sử dụng lao động phù hợp với diễn biến thị trường và đặc thù hoạt động SXKD. Tuy nhiên, cần tiếp tục đánh giá và rút kinh nghiệm để có các giải pháp hợp lý trong chính sách sử dụng nguồn nhân lực và tiền lương nhằm tối ưu hóa nguồn lực, khyến khích động viên người lao động có tay nghề, có nhiều đóng góp cho công ty và đảm bảo hiệu quả SXKD của doanh nghiệp. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi và phát triển.
Chuẩn bị nguồn lực nắm bắt cơ hội mở rộng, phát triển kinh doanh
Hướng tới năm 2022, năm bản lề khi thị trường khởi sắc và khẳng định vai trò dẫn dắt thị trường của Hãng hàng không quốc gia mà trước mắt là hoàn thành kế hoạch SXKD Quý 4 và năm 2021, Hội nghị đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâmvới các nội dung cụ thể.
Theo đó, các DNVG cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực để nắm bắt cơ hội mở rộng, phát triển kinh doanh khi thị trường phục hồi và chủ động điều hành SXKD trong mọi tình huống. Đẩy mạnh các hoạt động mua chung hàng hoá dịch vụ, ưu tiên sử dụng sản phẩm dịch vụ nội bộ VNA Group: Quỹ vé máy bay của TCT; Thẻ quà tặng VNA Gift; Các sản phẩm của Trung tâm BSV như thẻ VNA Visa, thẻ Đồng thương hiệu với các ngân hàng lớn…; các sản phẩm của công ty suất ăn; dịch vụ công nghệ thông tin của AITS. Đồng thời, tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn của TCT (Ban TTBSP, DVHK, KHPT, trung tâm BSV…) để chào hàng, giới thiệu sản phẩm của DNVG tới các khách hàng và cung cấp gói dịch vụ đồng bộ cho các Hãng HK bay tới VN, phát huy thế mạnh của hệ sinh thái, nâng cao năng lực cạnh tranh của VNA Group.
Bên cạnh đó, các DNVG cần quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp (tái cơ cấu ngành nghề kinh doanh, tái cơ cấu bộ máy tổ chức, lao động và tái cơ cấu tài chính); Tập trung triển khai và hoàn thành các dự án đầu tư trọng điểm để đáp ứng nhu cầu SXKD; Trú trọng công tác đào tạo, nhất là đạo tạo đội ngũ thợ kỹ thuật và lao động đặc thù để chủ động nguồn lực, sẵn sàng cho kế hoạch hồi phục và phát triển.
Hội nghị cũng nghe một số ý kiến của Người đại diện tại VIAGS (Ông Lê Cao Thế - TGĐ VIAGS), SKYPEC (Ông Nguyễn Mạnh Tuấn – TGĐ), VACS (Bà Đỗ Thị Ngọc Vân – TGĐ), NCS (Ông Ngô Hồng Minh - CT HĐQT và Ông Nguyễn Văn Dũng – TGĐ), NASCO (Ông Nguyễn Việt Phương – TGĐ), NCTS (Ông Nguyễn Xuân Phúc – TGĐ), VFT (Ông Nguyễn Nam Liên – TGĐ), theo đó, Người đại diện vốn góp của TCT tại các DN đều rất thấu hiểu với những khó khăn của TCT, qua đó đã chỉ đạo doanh nghiệp thực hiện các giải pháp cho TCT được giãn hoãn thanh toán, tạm ứng cổ tức… Đồng thời, phát biểu tại Hội nghị, Người đại diện vốn góp cũng nêu những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình điều hành SXKD và nêu các giải pháp đã thực hiện để tìm kiếm cơ hội tăng doanh thu, tiết kiệm triệt để chi phí nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh, nỗ lực tối đa trong việc thực hiện KH SXKD năm 2021 đã được giao.
Ông Nguyễn Văn Dũng - TGĐ Công ty NCS cho biết, NCS đang gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng có tiềm năng phát triển với thế mạnh về kinh nghiệm và năng lực sản xuất để cung suất ăn hai chiều cho các Hãng HK, đặc biệt là có thể mở rộng mảng kinh doanh Non Air.
Qua ý kiến phát biểu của NCS, PTGĐ Trịnh Hồng Quang đã có chỉ đạo với NCS và các DNVG. Đại dịch này càng cho chúng ta thấy rõ sự cần thiết phải đa dạng hoá ngành nghề, không chỉ tập trung vào mảng kinh doanh chính là suất ăn hàng không mà cần khai thác tối đa các nguồn lực của mình (cơ sở vật chất, kinh nghiệm, lao động tay nghề cao…) để mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh khác, tận dụng tối đa giá trị của hệ sinh thái, thương hiệu của VNA để quảng bá hình ảnh và phát triển thị trường.
Phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT và TGĐ đã biểu dương tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa các DNVG, giữa DNVG với TCT; đồng thời đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Người đại diện trong việc điều hành hoạt động SXKD tại doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm mọi nguồn thu, rà soát, triệt để cắt giảm chi phí, giảm thiểu thiệt hại do các đợt dịch bệnh bùng phát liên tiếp gây ra.
Chủ tịch HĐQT Đặng Ngọc Hoà chỉ đạo, chúng ta cần đảm bảo an toàn tuyệt đối (an ninh an toàn cho chuyến bay, phòng chống dịch cho hành khách và người lao động); sử dụng hợp lý nguồn lực lao động và có chính sách tiền lương phù hợp trong giai đoạn dịch bệnh; chủ động nắm bắt cơ hội khi thị trường bắt đầu hồi phục, đồng thời tìm các giải pháp tăng doanh thu, tối ưu hoá chi phí, nhằm cải thiện tình hình SXKD trong Quý 4 để hoàn thành các mục tiêu theo kế hoạch năm 2021.
Đối với công tác kế hoạch, Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà nhấn mạnh, năm 2022 là năm bản lề cho kế hoạch hồi phục và phát triển giai đoạn 2022 - 2025, các DNVG cần tập trung mọi nguồn lực để cùng với TCT xây dựng kế hoạch 2022 với mục tiêu VNA phải là hãng HK đầu tiên dẫn dắt thị trường bay hồi phục (cả nội địa và quốc tế). Đồng thời các doanh nghiệp tiếp tục quyết liệt triển khai công tác tái cơ cấu doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chủ tịch Đặng Ngọc Hoà chia sẻ, việc phục hồi, phát triển nhanh hay chậm là phụ thuộc vào chính chúng ta. Mỗi cán bộ quản lý vốn, doanh nghiệp thành viên của TCT cần phát huy tối đa tinh thần VNA để cùng đồng lòng vượt qua thách thức, khó khăn, đoàn kết và hợp tác để xây dựng VNA Group ngày càng lớn mạnh, chắc chúng ta sẽ làm được nếu đồng lòng và đoàn kết cùng nhau.
Theo VNA