Bay qua không phận Tây Á: Dấu ấn trong hoạt động khai thác bay của VNA

Bay qua không phận Tây Á: Dấu ấn trong hoạt động khai thác bay của VNA

10:41 - 19/12/2022

Ngày 14/12 vừa qua, VNA trở thành hãng hàng không Việt đầu tiên khai thác đường bay đi/đến châu Âu qua không phận một số quốc gia Tây Á, qua đó rút ngắn thời gian bay, tăng hiệu quả khai thác và góp phần bảo vệ môi trường thông qua việc giảm nhiên liệu tiêu hao dẫn đến giảm lượng khí phát thải. 

Khánh thành Đài Kiểm soát không lưu Điện Biên
Cục Hàng không và VABA tổ chức gặp mặt đầu xuân Giáp Thìn 2024
Lãnh đạo Cục Hàng không tiếp Đại sứ Cộng hòa Armenia
Vietnam Airlines áp dụng giải trí không dây toàn bộ đội bay Airbus A321
Đảng ủy Công ty Quản lý bay miền Nam hoàn thành việc lấy phiếu tín nhiệm

Bay đến châu Âu qua không phận một số quốc gia Tây Á: Rút ngắn thời gian bay, tăng hiệu quả khai thác

Những biến động về tình hình kinh tế, chính trị, đặc biệt là xung đột giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới khiến cho các hãnh hàng không đối mặt với nhiều khó khăn trong sử dụng và khai thác các đường bay liên lục địa. Điển hình trong số đó là đường bay đi châu Âu qua khu vực Tây Á của VNA đã bị gián đoạn gần 20 năm nay. Việc phải “tránh” những “vùng trời” này đã và đang gây ra những thiệt hại không nhỏ cho trong quá trình hoạt động điều hành khai thác. 

Trước những thay đổi của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, việc điều chỉnh đường bay, thiết lập các đường bay mới là nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết để đảm bảo ổn định lịch bay cũng như duy trì tính hiệu quả của đường bay khai thác.

Với mục tiêu chung của khối Khai thác bay là: An toàn, hiệu quả, đúng giờ, Trung tâm điều hành khai thác (OCC) có vai trò và trách nhiệm tham mưu chiến lược trong công tác điều hành khai thác cho Lãnh đạo TCT. Bên cạnh quyết tâm thực hiện đảm bảo điều hành an toàn các chuyến bay là ưu tiên hàng đầu thì OCC cũng nhận thức rõ trách nhiệm trong việc tiết giảm chi phí khai thác bằng việc áp dụng các giải pháp giảm chi phí khai thác để chung sức góp phần thực hiện nghị quyết của TVĐU & BGĐ về việc tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của TCT.

Trong rất nhiều giải pháp mà OCC đang thực hiện để tăng hiệu quả khai thác chuyến bay thì giải pháp “Nắn chỉnh đường bay” để thiết lập đường bay linh hoạt là giải pháp chủ đạo xuyên suốt từ năm 2009 đến nay. Bên cạnh việc khai thác EDTO 240 phút cho tàu A350 và EDTO 207 phút và tàu B787-A các đường bay đến Mỹ thì việc xây dựng đường bay đi Châu Âu qua không phận một số quốc gia Tây Á là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của OCC trong năm 2022 

Ngay từ đầu Quý III năm 2022, được sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Ban Giám Đốc cùng với sự quyết tâm cao của các bộ phận chức năng của OCC đã tiến hành phân tích, đánh giá hiệu quả của đường bay qua không phận một số quốc gia Tây Á và nhận thấy thời gian bay mỗi chuyến bay sẽ được rút ngắn từ 05 phút đến 40 phút (tùy theo từng tháng) so với đường bay khai thác hiện tại. 

Thời gian bay ngắn hơn đồng nghĩa với việc giảm chi phí nhiên liệu, chi phí bay qua, chi phí phục vụ chuyến bay, tăng tải thương mại cho chuyến bay. Giảm thời gian bay cũng giúp tối ưu chi phí bảo dưỡng kỹ thuật cũng như tăng tuổi thọ động cơ.

alt text
Đường bay qua không phận một số quốc gia Tây Á giúp thời gian bay mỗi chuyến bay sẽ được rút ngắn từ 05 phút đến 40 phút . (Ảnh: OCC).

 

Bên cạnh đó, việc tiết kiệm nhiên liệu cũng giúp bảo vệ môi trường thông qua việc giảm lượng khí CO2 phát thải ra môi trường, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính và tình trạng nóng lên toàn cầu.

Dự kiến trong năm 2023, với việc điều chỉnh đường bay trên lịch bay đã triển khai, TCT sẽ có thể tiết kiệm từ 225 – 261 tỷ trên các chuyến đến Châu Âu. Điều này càng trở nên có ý nghĩa hơn khi VNA đang tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn trong giai đoạn sau đại dịch.

Vietnam Airlines – Hãng hàng không Việt đầu tiên bay không phận các quốc gia khu vực Tây Á

Xác định được tầm quan trọng, hiệu quả cao khi khai thác bay qua không phận một số quốc gia Tây Á, OCC đã báo cáo chủ trương và được lãnh đạo TCT đồng ý giao nhiệm vụ OCC chủ trì cùng các đơn vị trong TCT đánh giá giá tính khả thi và triển khai các công việc liên quan.

Tháng 7/2022, OCC đã chủ động làm việc với đại sứ quán các nước Tây Á tại Việt Nam về các phương thức thanh toán bay qua và phối hợp với các đơn vị liên quan như: Ban PC, ĐB919, ANHK, SQD, DVHK, QLVT, Kỹ Thuật, TCKT để đánh giá các đáp ứng các yêu cầu trong khai thác khi bay qua Tây Á. Song song với quá trình đó, OCC đã chủ động nạp đơn xin phép bay đường bay mới qua không phận các nước Tây Á đảm bảo đầy đủ các yêu cầu pháp lý ngay khi có yêu cầu triển khai chính thức.

Sau một thời gian làm việc liên tục và khẩn trương, đến tháng 12/2022, kết luận của các đơn vị liên quan về việc bay qua không phận một số quốc gia Tây Á là hoàn toàn khả thi cùng với thực tế các hãng hàng không lớn của Châu Á như Malaysia Airlines (MAS), Singapore Airlines (SIA), Thai Airways (THA), Air India (AIC), EVA Air (EVA)… Châu Âu như Lufthansa (DLH), Air France (AFR), KLM , Austrian Airlines (AUA)… Tương tự các hãng bay Trung Đông như Emirates (UAE), Oman Air (OMA), Etihad Airways (ETD), Qatar Airways (QTR)… đều đã thực hiện các chuyến bay thường lệ qua không phận khu vực này. Đây càng là cở sở khẳng định việc xây dựng đường bay qua không phận một số quốc gia Tây Á là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn.

alt text
Giám đốc OCC – Captain Hồ Minh Tâm trực tiếp chỉ đạo rà soát đường bay qua Tây Á. (Ảnh: OCC).

 

Ngay khi có phép bay qua không phận một số quốc gia Tây Á vào những ngày của tuần đầu tháng 12 năm 2022, được sự đồng ý của lãnh đạo TCT, chuyến bay đầu tiên của hàng không Việt Nam nói chung và của VNA nói riêng đến châu Âu qua Tây Á chính thức được thực hiện. Đó là chuyến bay mang số hiệu VN55 cất cánh từ Sân bay Quốc tế Nội Bài và hạ cánh tại sân bay Quốc tế London Heathrow ngày 14/12/2022. 

VN55 HAN-LHR là dấu ấn lớn trong hoạt động khai thác bay của VNA. Chuyến bay cũng đánh dấu một tầm cao mới về tư duy chủ động, trách nhiệm của OCC trong vai trò tham mưu chiến lược cho lãnh đạo TCT.

alt text
Chuyến bay đầu tiên VN55 của VNA cùng với các chuyến bay của các hãng bay khác bay qua không phận một số quốc gia Tây Á. (Ảnh: OCC).

 

Xây dựng mục tiêu cùng TCT vượt qua những thách thức trước mắt, trong năm 2023, OCC xác định rõ những mục tiêu lớn cần phải hoàn thành. Đó là linh hoạt trong xây dựng đường bay các khu vực khai thác, đưa ra các tham mưu chiến lược về hiệu quả đường bay, sử dụng tàu bay, phục vụ chuyến bay…

Dẫu biết rằng những khó khăn trước mắt sẽ luôn thường trực, nhưng với tinh thần chủ động, trách nhiệm của người OCC nói riêng và VNA nói chung, tin rằng những trái ngọt sẽ tiếp tục đến với Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam trong năm 2023. 

Theo VNA